Xứng đáng nước chủ nhà APEC

Hoàng Mai 20/02/2017 08:40

Năm nay có một sự kiện kinh tế đối ngoại quan trọng với sự đóng góp của Việt Nam- đó là lần thứ 2 chúng ta trở thành chủ nhà của APEC. Qua 27 năm hình thành và phát triển kể từ dấu mốc năm 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

Hoạt động theo nguyên tắc là một diễn đàn mở, cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, kể từ khi thành lập đến nay APEC đã trải qua 4 đợt mở rộng, hiện có 21 nền kinh tế thành viên trong đó hội tụ nhiều nền kinh tế lớn như Canada, Nhật Bàn, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga. Úc… đại diện khoảng 39% dân số, đóng góp 59% GDP và 48% giá trị thương mại toàn cầu (tính đến tháng 11/2016).

Mỗi một năm có khoảng 20 hoạt động lớn cùng gần 200 hoạt động trải khắp các địa điểm khác nhau của nền kinh tế chủ nhà. Mục tiêu xuyên suốt đến nay của APEC là hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư. APEC cũng đang triển khai các chiến lược và chương trình hợp tác lớn từ năm 2020-2025 về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, hợp tác dịch vụ, toàn cầu hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối, an ninh lương thực. APEC luôn đi dầu, khởi xướng, thúc đẩy các ý tưởng liên kết kinh tế.

Hợp tác APEC hiện tiếp tục được thúc đẩy theo hướng gắn với tăng trưởng bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu và mở rộng sang các vấn đề đầu tư thương mại và đầu tư thế hệ mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế và thương mại sụt giảm nhưng thời hạn hoàn thành các Mục tiêu Bogor đang đến gần, APEC đã nỗ lực cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định là cơ chế hợp tác kinh tế, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Với Việt Nam, việc gia nhập APEC năm 1998 là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. APEC được xem là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu; là nơi hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. 18 trong số 20 nền kinh tế thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam. 19 năm tham gia diễn đàn, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hợp tác APEC.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru vừa kết thúc tốt đẹp, trong đó Việt Nam đã có nhiều đóng góp xứng đáng với vai trò là nước chủ nhà Năm APEC 2017. Các thành viên APEC đều khẳng định tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để Năm APEC 2017 thành công. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: “Việc nước ta đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với nước ta trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn của tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, chúng ta sẽ làm hết sức mình để cùng các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21. Với các hoạt động phong phú, đa dạng của APEC được tổ chức trên phạm vi cả nước, chúng ta sẽ có thêm cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền.

Nói về một Năm APEC thứ hai Việt Nam được vinh dự là nước chủ nhà (sau lần làm chủ nhà năm 2006), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: “Chúng ta sẽ đóng góp vào nỗ lực chung củng cố vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.” Sự thực thì điều này đặc biệt quan trọng khi xu hướng chống toàn cầu hóa, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nước trong khu vực. Vậy thì, APEC sẽ làm gì và Việt Nam với vị thế là một nền kinh tế chủ nhà cần làm gì nếu không phải là, góp phần tăng cường liên kết kinh tế, kết nối khu vực sâu rộng hơn, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa các thành viên trên các vấn đề tăng trưởng bền vững và bao trùm, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nâng cao tính tự cường của cộng đồng cũng như khả năng ứng phó với các thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng…

Việt Nam đã rất tự tin chuẩn bị cho Năm APEC 2017. Tin rằng, qua cuộc họp SOM lần 1 và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Nha Trang, bạn bè sẽ thấy và khẳng định năng lực điều phối xứng tầm với thế và lực mới của đất nước ta. “Trên cương vị chủ nhà, chúng ta sẽ điều hành, chủ trì hàng loạt hoạt động cùng các Ủy ban, Nhóm Công tác của APEC trong suốt cả năm 2017. Để đạt được những kết quả thiết thực, phản ánh quan tâm chung của các thành viên, chúng ta cần phát huy bản lĩnh đối ngoại độc lập, tự chủ đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao, khẳng định tâm thế chủ động, tích cực đóng góp, xây dựng định hình các cơ chế, luật chơi khu vực và toàn cầu”.

Những hy vọng về một Năm APEC 2017 thành công không phải không có cơ sở vì chúng ta đã chuẩn bị chu đáo từ sớm và đang rốt ráo hoàn tất các công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, hậu cần, lễ tân, văn hóa và truyền thông,… trên tinh thần bảo đảm chu đáo, trọng thị và tiết kiệm, theo đúng xu hướng hiện nay trong APEC. Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng phát huy tính sáng tạo trong công tác tổ chức, đặc biệt các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thiết kế trang phục cho các nhà lãnh đạo,… vì đây vừa là nhân tố gắn kết chặt chẽ hơn các nền kinh tế và người dân trong khu vực, vừa là dịp để thể hiện tinh hoa văn hóa của đất nước cũng như sự tài hoa, khéo léo của người Việt Nam.

Chúng ta kỳ vọng những kết quả của Năm APEC 2017 sẽ góp phần đưa Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng hợp tác và liên kết mới của từng nền kinh tế, từng doanh nghiệp và từng người dân, để tạo những kết quả thiết thực, cụ thể, là động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm của cả khu vực. Và, chúng ta cũng kỳ vọng Năm APEC 2017 sẽ là dịp để chúng ta đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung vì sự phát triển của khu vực và của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xứng đáng nước chủ nhà APEC

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO