Ý thức công dân và tinh thần yêu nước

Nam Việt 14/03/2020 08:00

Ngày 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà theo Thủ tướng chủ yếu để lắng nghe ý kiến, hiến kế và động viên, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để làm sao giành thắng lợi kép. Cuộc gặp quy tụ rất nhiều “đại gia” trong các lĩnh vực, với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, sắc sảo, đầy trách nhiệm. Và trên hết chính là sự đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Ý thức công dân và tinh thần yêu nước

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhu yếu phẩm thiết yếu vẫn được cung cấp đầy đủ. Ảnh: Quang Vinh.

Mục tiêu kép mà Thủ tướng đề ra: Vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh được lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đất nước đánh giá cao. Đó là quyết tâm “không thất thủ” như Hãng hàng không Vietjet: Đã khởi động Uỷ ban Khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1/2020; “Chúng tôi đã góp một phần trách nhiệm của mình để giải quyết phương tiện đi lại tuyệt đối an toàn cho hành khách, kiểm soát dịch bệnh”- nói như bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet. Ý kiến này cũng có thể coi là đại diện cho các “đại gia” doanh nghiệp tư nhân, họ đã không bị động, không co cụm mà chủ động với những giải pháp vượt lên hoàn cảnh. Cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi- thì họ đã vượt qua.

Cũng tại đây, nhiều ý kiến cho rằng để doanh nghiệp vượt khó trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì cùng với nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, họ cũng rất cần được Chính phủ hỗ trợ, nhất là về mặt chính sách. Đó là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí; thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; cơ cấu lại các khoản nợ… Nói như đại diện Tập đoàn Vingroup thì Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”.

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao sự kiên cường vươn lên của các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tướng nói, càng khó khăn, càng thử thách lòng người. Không để kinh tế suy thoái, không để người lao động thất nghiệp, đời sống khó khăn. Và cũng không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn. “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta. Chính các bạn, những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình. Tôi rất vui mừng là các đồng chí không hề bi quan”- Thủ tướng nói.

Nhận xét của nhiều người cho rằng, việc Thủ tướng gặp gỡ, lắng nghe đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn trong lúc này cho thấy quyết tâm rất cao của Thủ tướng, của Chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để sản xuất đình đốn. Mọi nguồn lực của xã hội được huy động. Trong khó khăn, đóng góp của bất cứ ai, của bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng đều rất đáng quý. Đó chính là ý thức công dân, là tinh thần yêu nước.

Tinh thần cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đất nước chắc chắn sẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Từ đó, các bộ ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai, gặp gỡ, lắng nghe để cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Lúc này, không thể có chuyện “riêng lẻ khỏe ăn”, không có chuyện “anh đường anh, tôi đường tôi”, hay là “mạnh ai nấy đi”, mà phải hợp lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Vẫn biết rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, dù chúng ta rất chủ động, kiên quyết, nỗ lực khoanh vùng dập dịch; điều trị tích cực cho người nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng những ngày gần đây số người nhiễm bệnh đang tăng lên. Chính vì thế, ý thức xã hội của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đồng lòng vượt khó, hướng tới đồng bào chính là một điểm sáng mang tới sự tin tưởng cho xã hội. Các kịch bản dự báo dù khoa học đến mấy, chủ trương chính sách dù ưu việt, cởi mở đến mấy… nhưng nếu bị “virus sợ hãi” chế ngự thì không thể thành công. Không bó tay đợi dịch đi qua, không thúc thủ nản lòng trước những thách thức ngổn ngang phía trước, tinh thần vì đất nước, vì đồng bào sẽ nhân lên sức mạnh, đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nói như Thủ tướng, tất cả các địa phương trong cả nước phải vào cuộc, phải có biện pháp để tháo gỡ trực tiếp khó khăn, chứ không phải chỉ có Chính phủ. Tinh thần ấy phải được lan tỏa, phải thống nhất từ trên xuống dưới. Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba. Nếu được như thế thì không lẽ gì không thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ý thức công dân và tinh thần yêu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO