Góc nhìn về bài thơ 'Bắt nạt' gây tranh cãi

Nguyễn Hoài 03/09/2021 14:00

Những ngày qua, bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6 nhận nhiều ý kiến trái chiều của người đọc, giáo viên, nhà thơ.

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có 3 bộ sách: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho các tỉnh, thành lựa chọn và sử dụng.

Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, không ít phụ huynh, giáo viên, nhà thơ đã thể hiện quan điểm rằng, bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa Ngữ văn, lớp 6 (tập 1) trong bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành không hay, không nên đưa vào trong sách giáo khoa.

Vì sao có tranh cãi trong thơ?

“Bắt nạt” được trích từ tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Theo ghi chú trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982, Hà Nội) sáng tác thơ từ năm 12 tuổi, hiện có gia tài là hàng ngàn bài thơ. Thơ của anh viết cho trẻ em rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong trẻo và tươi vui.

Theo quan điểm của cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc), để xác định một bài thơ hay hay dở không dễ dàng. Bởi lẽ, nó có thể hay với người này nhưng lại bình thường với người khác.

Bài thơ “Bắt nạt” đang gây ra tranh cãi khi được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6.

Trong việc cảm nhận thơ, ngoài các yếu tố nội tại của bài thơ thì yếu tố về sự tiếp nhận của người đọc rất quan trọng và đây chính là nguyên nhân dễ dẫn đến những tranh cãi trong thơ.

Người đọc tiếp nhận thơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tầm tiếp nhận, thị hiếu thẩm mĩ, tuổi tác, giới tính, tâm trạng, vốn sống, trình độ văn hóa… và quan trọng nhất, theo tôi, chính là sự hiểu biết về mĩ học thơ.

Cô giáo Nguyễn Thanh Hương cho rằng, thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh nói riêng và những người trẻ bây giờ, họ cũng đang tự xác lập một thứ mĩ học riêng của mình. Nó tạo thành một xu hướng, gu thẩm mĩ riêng của người trẻ, nhiều khi gây hấn, thách thức, chất vấn cách cảm thụ thơ thông thường.

Về bài thơ “Bắt nạt”, cô Hương nhận xét, đây chưa phải là bài thơ hay nhưng cũng không dở.

Vậy tại sao Nguyễn Thế Hoàng Linh lại chọn cách thể hiện khiến nhiều người chê bai? Cô Hương phân tích: “Nhiều người nói bài thơ không phù hợp với học sinh lớp 6 vì nó quá trẻ con, thậm chí chỉ phù hợp với lớp 1, lớp 2. Nhưng tôi thấy những bài thơ như thế này vừa phù hợp với tâm lí, lứa tuổi, vừa kích thích được năng lực tranh biện của người học, lại gần gũi với các tình huống trong cuộc sống”.

Cô Hương cũng cho rằng, thay vì bắt học sinh chỉ biết ca ngợi cái hay, cái đẹp của văn chương thì nên để các em được bày tỏ chính kiến của mình, được cất lên tiếng nói thành thực nhất, được lắng nghe và tôn trọng. Và có một sự thực là tất cả người lớn đều từng là trẻ con, nhưng chỉ rất ít người nhớ được điều đó.

Có nên đưa vào sách giáo khoa hay không?

Thông điệp của bài thơ “Bắt nạt” khuyên trẻ em không nên đi bắt nạt, ức hiếp người yếu hơn mình bởi “bắt nạt là xấu lắm”. Bắt nạt sẽ gây ra những tổn thương nhất định, dù là người lớn hay trẻ nhỏ.

Học sinh tham khảo chương trình sách giáo khoa lớp 6 trước khi vào năm học mới.

Tuy nhiên theo cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cách thể hiện thông điệp của bài thơ chưa thuyết phục.

Cô Hạnh phân tích, bài thơ khuyên học sinh thay vì bắt nạt bạn thì chấp nhận thử thách ăn mù tạt. Điều này không hoàn toàn đúng, vì có thể có trẻ em thích ăn mù tạt.

Bài thơ chỉ ra cách: “Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay”. Người đọc chờ một giải pháp để kẻ bắt nạt bạt thấy xấu hổ vì hành vi của mình, người bị bắt nạt thì được bênh vực. Nhưng, bài thơ lại viết: “Cứ đến bắt nạt tớ/Bị bắt nạt quen rồi”.

Như vậy, người có thể bảo vệ những nạn nhân yếu đuối lại là nạn nhân chịu trận quá nhiều lần. Với cách thể hiện này, tính giáo dục sẽ không cao, thậm chí có tác dụng ngược khi đưa ra một "tấm gương xấu" về sự chấp nhận bị bắt nạt.

Là một giáo viên dạy văn, cô Lê Thị Hồng Hạnh cho rằng: “Bài này không nên đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn. Vì ngoài nội dung thông tin, tác phẩm cần mang tính nghệ thuật cao hơn. Ở bài thơ "Bắt nạt" cả hai phương diện này đều chưa tới”.

Dưới góc độ nhà thơ, nhà thơ Đàm Khánh Phương đồng quan điểm với cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh.

Bàn về “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhà thơ Đàm Khánh Phương (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, theo dõi nhiều ngày qua, nhà thơ nhận thấy, nhiều người trong giới văn chương như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Y Phương, PGS,TS Vũ Nho… cùng nhiều giáo viên, phụ huynh tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng về sự ngô nghê, luẩn quẩn, tùy hứng của bài thơ.

Trước những tranh luận này, nhà thơ Đàm Khánh Phương cho rằng: “Việc chọn tác phẩm văn học đưa vào sách giáo khoa, nhất là cho các em nhỏ, rất cần sự cẩn trọng kỹ càng hơn trong việc tuyển chọn, biên tập chương trình sách giáo khoa. Bộ GDĐT nên cân nhắc về việc sử dụng bài thơ “Bắt nạt” trong chương trình sách giáo khoa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc nhìn về bài thơ 'Bắt nạt' gây tranh cãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO