Gồng mình trong nắng nóng

Nhóm PV 19/05/2023 07:43

Đã 5 ngày qua, nhiều tỉnh thành miền Bắc hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt. Nắng đổ lửa xuống ruộng đồng, nhiệt độ tăng cao khiến nhiều đoạn mặt đường nhũn ra. Số người già và trẻ em nhập viện tăng. Sinh hoạt người dân đảo lộn. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đợt nắng nóng vẫn tiếp tục, không loại trừ mưa bão cực đoan có thể gây ngập úng sau nắng nóng.

Người lao động oằn mình chống chọi với nắng nóng. Ảnh: Lê Khánh

Nhiệt độ không quá cao, nhưng “lạ lắm”

Ngày 18/5, Hà Nội vẫn chói chang nắng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, vào lúc 10 giờ sáng, nhiều người đã vạ vật trong hành lang. Nhiều người uể oải ngồi ở những chiếc ghế đá. Họ là thân nhân của người bệnh đang điều trị tại đây.

Từ ngày 16/5, Hà Nội đã nóng như nung. Nhưng ngày 18/5 mới là đỉnh điểm khi nhiệt độ đo được ở đường Giải Phóng chạy ngang trước cửa Bệnh viện Bạch Mai tới 49 độ C. Hỏi chuyện một người đang tránh nắng dưới gốc cây trong Bệnh viện Bạch Mai, được biết, anh tên Tú, đến từ Nghệ An, đi theo chăm sóc người nhà bị bệnh nặng.

“Ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào mùa gió phơn khô nóng thì khó chịu lắm. Nhưng tôi không nghĩ là ở Hà Nội mà cũng nóng ghê thế này. Đã hai đêm tôi không thể ngủ được, vì nhiệt độ tuy rằng không quá cao nhưng mà “lạ” lắm, rất khó thở” - anh Tú nói và cho biết thêm, cái nóng ở Hà Nội lạ ở chỗ nhiệt độ cao nhưng không hề có chút gió nào, nên “không khí đặc lắm”.

Chỉ vào những tàng cây im lìm, anh Tú lắc đầu mệt mỏi.

Chung cảnh ngộ, ông Văn từ Lào Cai đưa bố nhập viện Bạch Mai. Ông Văn đã 65 tuổi, còn cha ông cũng đã gần 90. Hai người đàn ông cao tuổi chăm nom, dựa vào nhau. Ông Văn cho biết, ông đã “qua 3 đêm” hầm hập trong khuôn viên bệnh viện. Hết ra lại vào hành lang, phần thì trông chừng cha, phần thì cố tìm giấc ngủ, dù là chập chờn chăng nữa.

“Nóng quá, khổ quá. Trưa nay tôi phải từ tầng 4 để xuống đây tránh nóng" - ông Văn cho biết.

Anh Tú, ông Văn vẫn chưa phải là những người ở xa nhất đưa người thân về Hà Nội chữa bệnh. Tại Bạch Mai, trưa ngày 18/5, chúng tôi có dịp trò chuyện với một người phụ nữ tên Mai, từ Tây Nguyên ra chăm mẹ phải mổ. Chị Mai kể, Tây Nguyên có nắng nhưng không nóng, không oi như miền Bắc. Tây Nguyên nắng nhưng có gió, còn ở đây không gian rất oi ả. "Nắng cứ phả vào mặt nóng rát, khó chịu" - chị Mai nói.

Cách không xa Bệnh viện Bạch Mai có một khu trọ người dân quen gọi là “xóm chạy thận”. Nắng nóng cũng gõ cửa từng căn nhà chật chội, thiếu tiện nghi. Lúc giữa trưa, không thể ngồi được trong nhà vì không khí hầm hập như lò bát quái, cả người lớn lẫn trẻ em đều ra ngồi trước cửa, trong tay phe phẩy chiếc quạt.

Cũng trong ngày 18/5, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội). Nắng như thiêu như đốt, cây cối im lìm, người đi xe máy trên đường bịt kín toàn thân không khác gì “Ninja”. Ai cũng lặng lẽ. Nhiều người cầm trên tay chai nước. Họ không nói không chỉ vì lo cho người nhà trong viện đang phải giành giật cuộc sống mà còn là do nắng quá. Anh Nhân, có người nhà xạ trị lần 3 ở đây cho biết, rất sợ nắng nóng kéo dài sẽ khiến sức chống chọi của người nhà yếu đi, bệnh sẽ tăng nặng.

“Chiều nay bác sĩ cho người nhà tôi về, nhưng tôi xin được ở lại cho đến tối, để may ra có bớt nóng không. Đã bị K, phải “vào thuốc”, ra đường trời nắng thì nguy” - anh Nhân nói.

Người lao động mưu sinh trong cái nắng nóng gay gắt của Hà Nội, ngày 18/5. Ảnh: Lê Khánh.

Những cánh đồng phơi nắng

Người bệnh và thân nhân của họ thật là bị “trời hành” khi nắng nóng dữ dội. Nhưng nhiều người khác cũng “tránh trời không khỏi nắng”. Đó là những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 18/5, chúng tôi tới xã Kim Thư (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Người dân cho biết, mấy ngày qua không ai dám ra đồng. Cánh đồng mênh mông im phăng phắc dưới nắng. “Vốn dĩ việc làm ruộng đã khó, thu nhập thấp, lại gặp nắng thế này thì thật là muôn vàn khó khăn” - bà Lũy, một nông dân cho biết.

Trong khi đó, ở những địa phương khác của miền Bắc, tình hình cũng không khá hơn. Tại Hải Hậu (Nam Định), diêm dân vào vụ muối. Nắng chang chang như rót lửa thẳng xuống đầu. Những ô muối lấp loáng ánh mặt trời. Cái khổ của nghề làm muối là phải làm giữa lúc nắng nóng, nắng mấy cũng phải làm. Trong khi giá muối ngày một rẻ.

Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đợt nắng nóng kéo dài cũng khiến người dân gặp vô vàn khó khăn. Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, khoảng 10 năm trước, nắng nóng dữ dội quá, nông dân phải lấy đêm làm ngày, có nghĩa là ban ngày thì trốn nắng trong nhà, đêm đến lại đốt đèn ra ruộng làm việc. Năm nay, mới chỉ vào mùa hè đã nắng nóng thế này thì rất có thể tình trạng đó sẽ lặp lại.

Nắng nóng tiếp tục bao phủ

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc bộ, ngày 18/9, tại Hà Nội ngoài nhiệt độ cao thì chỉ số tia cực tím (UV) có thể đạt mức 9-10, ngưỡng gây hại rất cao đối với sức khỏe người dân, nhất là bộ phận da và mắt. Nhưng dự báo đợt nắng nóng này vẫn còn kéo dài.

PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng trong năm cao hơn ở tất cả các khu vực trên cả nước. Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn, không loại trừ khả năng xuất hiện nhiều giá trị nhiệt độ kỷ lục. Đáng chú ý, những năm El Nino, số lượng hoạt động của áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng thể hiện tính dị thường về cường độ và quỹ đạo. Ông Khiêm lưu ý, El Nino thường gắn với thời tiết khô, ít mưa.

Các nghiên cứu và thống kê cho thấy, lượng mưa sẽ bị thâm hụt từ 20-50% dẫn đến khô hạn, thiếu hụt nguồn nước. Mùa khô 2023, các khu vực có nhu cầu cao về sử dụng nguồn nước như Bắc Trung bộ, Bắc bộ sẽ gặp khó khăn. “Tác động của El Nino đã dẫn đến hạn mặn kỷ lục gần đây mà chúng ta đã chứng kiến là mùa khô năm 2015, 2016, 2019 và 2020” - ông Khiêm nói.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, nên đã tạo ra sự cực đoan, bất thường của thời tiết. Một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ ở một số nơi, trong khi đó những nơi khác lại khô hạn. Năm 2015, trong điều kiện El Nino, nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm 2020, El Nino xuất hiện đi cùng mưa liên miên gây lũ lớn vào tháng 7, đầu tháng 8 trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Cuối tháng 9 năm đó lại xuất hiện trận lũ lịch sử ở thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh).

Trở lại với thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan này cho biết, nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra ở khắp miền Bắc và phần lớn miền Trung, nhiều nơi có mức nhiệt trên 40 độ C. Riêng tại Hà Nội, những ngày tới nắng nóng vẫn gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất lên tới 40 độ C. Trong khi đó, khu vực Bắc Trung bộ, từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh, nắng nóng còn gay gắt hơn, có nơi hơn 42 độ C.

Dự báo, nắng nóng còn kéo dài khoảng 7 ngày nữa mới hạ nhiệt. Tuy nhiên, gián đoạn nền nhiệt cũng không kéo dài khi mà thông thường hàng năm miền Bắc phải chịu nắng nóng nhất là vào tháng 6, tháng 7.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu năm, bao phủ trên diện rộng ở cả Bắc bộ, các tỉnh/thành Bắc Trung bộ. Sắp tới, nắng nóng sẽ tập trung vào các ngày từ 21/5 - 23/5, với nhiệt độ cao phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Trong đó khu vực vùng núi phía Tây Thanh Hóa là vùng nắng nóng gay gắt nhất với nhiệt độ phổ biến trên 40 độ C.

Riêng Hà Nội, hôm nay 19/5, dự báo nhiệt độ sẽ xuống chút ít, cao nhất 38 độ C. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày, tới ngày 20/5, nắng nóng lại gia tăng trở lại, kéo dài đến khoảng 23/5. Trong điều kiện nhiều khối nhà bê tông, đường nhựa hút nhiệt thì nhiệt độ có thể lên tới từ 43 đến 45 độ C.

Cơ quan khí tượng dự báo nhiệt độ trung bình tháng 5 trên toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C, riêng Tây Bắc cao hơn 1,5 độ C. El Nino khả năng xuất hiện vào tháng 7-8 khiến nắng nóng gay gắt hơn. Trong 2 tuần cuối của tháng 5, nắng nóng gia tăng ở Bắc bộ và Trung bộ. Nắng nóng năm nay đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước; nắng nóng ở miền Bắc tập trung từ tháng 5 đến tháng 8, cao điểm là tháng 6-7; miền Trung là tháng 5-8, cao điểm là tháng 7.

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan

Theo bà Trần Thị Chúc - Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong khoảng thời gian 1 tháng (từ ngày 11/4 đến 10/5/2023) đã xảy ra 10 trận dông lốc, mưa đá ở nhiều khu vực trên cả nước. Thời gian này cũng đã xuất hiện 3 đợt không khí lạnh vào ngày 24/4, ngày 29/4 và tối ngày 7/5. Tuy không hẳn bất thường nhưng cũng là hiện tượng thời tiết đáng chú ý.

Cùng thời gian này, Bắc bộ và Trung bộ có 2 đợt nắng nóng diện rộng. Sau đó là đợt nắng nóng gay gắt từ 15/5 kéo dài nhiều ngày, với nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay. Đợt nắng nóng kéo dài tới cuối tháng 5, sau đó gián đoạn để bước vào đợt nắng nóng mới vào đầu tháng 6. Đáng chú ý, trên phạm vi toàn quốc xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gồng mình trong nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO