Gương xấu

Thanh Xuân 30/10/2016 08:28

Ngày 28/10, ông Hà Ngọc Huy- Trưởng công an xã Quảng Đông (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), cho biết đã ký quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng với thầy giáo Nguyễn Quý Cầu (giáo viên tiếng Anh trường THCS Quảng Đông) về hành vi hành hung một nam sinh lớp 8A.

“Thầy Cầu thừa nhận đánh, tát, đạp cháu bé, gây trầy xước ở vùng ngực, cổ và thâm ở vùng mặt”, ông Huy nói và cho hay hành vi này chưa có dấu hiệu hình sự, nhưng đủ cơ sở xử phạt hành chính với lỗi xâm phạm đến sức khỏe người khác.

Được biết, trước đó vào giờ ra chơi sáng 21-10, một nam sinh lớp 8A trường THCS Quảng Đông vô tình ném chai nước bằng nhựa từ tầng hai xuống sân trường, suýt trúng đầu thầy giáo Cầu. Dù học trò đã thành khẩn xin lỗi thầy, nhưng vẫn bị tát vào mặt, đá vào bụng, ngực.

Gia đình sau đó đưa nam sinh đến trạm y tế chữa trị vết thương và làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Nếu cách đây mấy năm, vụ việc bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai đánh dã man khiến dư luận phẫn nộ, xót xa thì thời gian gần đây, tình trạng thày cô giáo bạo hành học sinh xảy ra ngày càng nhiều và ở nhiều nơi.

Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhà trường là nơi giáo dục nhân cách cho học sinh, bạo lực học đường là đáng báo động và ngành giáo dục cần phải gấp rút vào cuộc.

Các chuyên gia giáo dục thì cho rằng trong nhà trường việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như giáo dục thông qua các môn học, các hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, hoạt động đoàn thể, giáo dục cá biệt…

Song giáo dục bằng nêu gương là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất. Bởi lẽ từ lời ăn tiếng nói, tác phong đi đứng, ăn mặc, thái độ cư xử học trò, với đồng nghiệp, với mọi đối tượng trong xã hội cho đến lối sống hàng ngày của giáo viên đều tác động trực tiếp đến học sinh, sinh viên.

Vì vậy, nếu thầy giáo cư xử với học sinh bằng bạo lực thì khác nào đẩy em học sinh tiếp xúc gần hơn với bạo lực. Ai dám chắc em học sinh bị thầy giáo đấm đá đến mức phải nhập viện lại không học tập thầy để giải quyết khúc mắc trong nhà trường và sau này là ngoài xã hội bằng nắm đấm như thầy “nêu gương”.

Ngành giáo dục từng tổ chức cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để giáo viên thấy rõ hơn trách nhiệm với học sinh và với nghề nghiệp của mình.

Trách nhiệm ấy không chỉ căn cứ vào sự tiếp thu của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn được phản ánh qua sự trưởng thành của mỗi con người sau này trên con đường lập thân, lập nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gương xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO