Hà Giang: không dành cho những người yếu tim

Ký sự của Võ Hồng Thu 24/12/2015 10:44

“Cao nguyên đá Đồng Văn là một điểm du lịch thực sự khác biệt chỉ có ở Hà Giang và đất nước ta. Khác biệt thật sự ở chỗ bạt ngàn núi đá chập chùng ẩn hiện trong bồng bềnh mây bay, khác biệt ở ngút ngàn đỉnh núi tai mèo như mũi tàu phóng vào khoảng không gian bao la và thăm thẳm, vực, khe với tiếng gió hú ngàn ngạt mang đậm nét thiên nhiên của một vùng hoang sơ còn lại…”. 

Đồng Văn hùng vĩ. Ảnh: Thành Huy Lê

Ngược lên Cổng Trời

Những “dòng thơ” đầy gọi mời trong tờ quảng cáo của công ty du lịch khiến chúng tôi có thêm quyết tâm ngược lên cổng trời Quản Bạ, qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, vượt hơn 150 cây số với một bên toàn vách núi đá dựng đứng, liên tục những khúc cua tay áo “không dành cho người yếu tim”, chênh vênh ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, để được tận thấy vùng cao nguyên độc đáo trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Hùng vĩ quá, Đồng Văn ! Có lẽ bạn cũng như tôi, không thể giữ cho riêng mình những cảm thán như vậy khi cả một miền cao nguyên ùa vào thị giác với bạt ngàn núi đá trùng điệp, với xanh ngút mắt những cánh rừng sa mộc, với những con dốc lượn sóng trên cao nguyên, với những thảm hoa tam giác mạch bung nở bên đường… Ai đó đã nói rằng, một con người sinh ra, lớn lên trên Đồng Văn có khi cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá mênh mông của quê hương mình. Vậy mà con người ở đây bao đời vẫn đạp đá mà sinh tồn, trong cái rét cắt da cắt thịt mùa đông, trong nóng cháy mùa hạ; đến mùa hạn thì cả cao nguyên gồng lên vì khát, khi mưa về thì xối xả… Dọc đường xe đi, thi thoảng chúng tôi gặp những toán người dân tộc gùi củi, gùi rau cỏ hay dắt trâu bò về nhà. Họ đi cắm cúi nhưng nhẩn nha vì thời gian dường như là một khái niệm rất xa vời ở nơi thăm thẳm mịt mùng này. Người thành phố đôi khi lại thèm cái cảm giác mà thời thượng gọi là Sống chậm này. Cúi xuống nhìn thấy đá tai mèo. Ngẩng lên trời, cũng đá. Ngó xuống thung lũng cũng chỉ thấy một màu đen xám của đá xen lẫn với màu xanh của những ruộng ngô len lỏi trong kẽ đá. Lái xe liên tục chép miệng mỗi khi xe chúng tôi gặp một nhóm trẻ con dân tộc đứng vẫy ven đường: Nhỡ đâu bánh xe chẹt vào chân chúng nó là oan gia. Bọn trẻ rất dạn người, chúng xông ra tận giữa đường, không đếm xỉa gì đến khả năng có thể bị tai nạn. Lái xe có kinh nghiệm luôn phải phẩy tay thật dứt khoát, ý là “không có tiền, không có kẹo mà cho đâu” để chúng dạt vào vệ đường. Anh phụ xe bảo: Bọn trẻ con này mà có được tí tiền là chúng sẽ bỏ học ngay, ngày ngày phục sẵn dọc đường ngóng những chuyến xe qua. Biết thế nhưng chúng tôi vẫn tiếc rẻ: Giá mà mua sẵn mấy gói kẹo phát cho bọn trẻ. Trong nỗi hoài nhớ tuổi thơ của chính mình, chúng tôi hiểu rằng những chiếc kẹo be bé xinh xinh đủ để cho một đứa trẻ thơ ngây vui suốt cả ngày.

Tam giác mạch, khi đặc sản thành thương hiệu du lịch

Đáng khen cho ý tưởng của Hà Giang, khi lần đầu tiên tỉnh tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch quy mô lớn với chủ đề “Cao nguyên đá – ngàn hoa khoe sắc” từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2015 này. Và sẽ trở thành thường niên. Mặc dù Hà Giang không chỉ có tam giác mạch nhưng đó là lựa chọn khôn ngoan khi đặt tên cho một thương hiệu. Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang : Vài năm gần đây, ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang đã trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Ngoài Cao nguyên đá Đồng Văn, cánh đồng hoa tam giác mạch đã trở thành biểu tượng, sản phẩm du lịch độc đáo riêng có ở Hà Giang.

Hoa tam giác mạch ẩn sau vẻ dung dị, đơn sơ lại có sức hút mạnh mẽ, lạ kỳ bởi cõng theo một câu chuyện huyền thoại.

Chuyện rằng: Xưa thượng đế trên trời cho hai nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Gieo hạt xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì nên các nàng tiên bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng. Một ngày, mọi người cùng đi khắp núi rừng để tìm cái ăn, chợt thấy mùi hương là lạ. Mọi người cùng tìm đến khe núi và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Chúng tôi đã nhấm nháp vị bánh tam giác mạch lần đầu tiên trong đời bên ngoài cổng nhà Vua Mèo Vương Chí Sình. Bánh được làm từ bột quả tam giác mạch, mang màu xám nhạt của đất, bùi bùi ngọt ngọt khá hấp dẫn. Tôi có mua một ít bánh về làm quà cho bạn bè Hà Nội nhưng phải công nhận, ăn bánh tam giác mạch khi người ta vừa mới quạt trên bếp than hồng trong cái lạnh se se của đất trời Hà Giang vào thu nó thú hơn hẳn khi cũng bánh ấy nhưng đem về áp chảo trong căn bếp hiện đại nơi đô thành. Miếng ăn ngon bởi được thưởng thức trên chính mảnh đất nguồn cội của nó chính là ở chỗ đó.

Năm 2015, để phục vụ cho lễ hội, 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn đã gieo trồng gần 500 hecta hoa tam giác mạch, trong đó chú ý làm điểm nhấn tại các điểm dừng chân để du khách thỏa sức chụp ảnh và trải nghiệm. Mỗi hecta trồng hoa tam giác mạch cho năng suất bình quân từ 6 - 8 tạ, đem lại thu nhập từ 18 đến 20 triệu đồng. Cộng thêm chủ trương sẽ cho thu phí tham quan, chụp ảnh tại các điểm trồng hoa quy định để người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Loài hoa có cánh hình tam giác nhỏ li ti trên vùng đất cằn cỗi, nở đúng vào mùa ngô lúa không cách nào nảy được, đang làm lòng người nở hoa trên cao nguyên đá.

Vậy là từ nay, khi thả mình giữa vùng cao nguyên hùng vĩ này, bạn và tôi sẽ không chỉ ngợp trong điệp trùng những đỉnh núi tai mèo, trong thăm thẳm vực- khe, trong trắng xóa hoa chẩu, đỏ chói hoa gạo giữa mươn mướt thông xanh, mà mắt sẽ quấn quít bởi sắc đào phai, sắc mận tam hoa mỗi khi xuân về, ngút ngàn tím hồng biêng biếc những cánh đồng tam giác mạch có sự chăm sóc của bàn tay con người. Bạn và tôi sẽ có nhiều từ để kể về Hà Giang hơn, ngoài Núi Đôi cô tiên, đèo Mã Pì Lèng, đỉnh cột cờ Lũng Cú, dinh cơ vua Mèo Vương Chí Sình..., những địa danh đã trở thành “sách giáo khoa” khi người ta nói đến vùng đất kỳ bí này. Bạn sẽ tả cho những ai chưa có dịp đặt chân đến nơi đây cái cảm giác rợn ngợp vô cùng trước thiên nhiên khi từ trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế như một làn khói mỏng manh hư ảo.

Có yêu nhau thì về phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn đón chúng tôi với vẻ thâm trầm của một thị trấn thanh bình và lãng mạn có lịch sử ngót 100 năm, được bao bọc bởi bốn bề vách núi sừng sững như tấm bình phong khổng lồ che mưa chắn gió. Khu phố cổ gồm khu chợ và 2 xóm Quyết Tiến và Đồng Tâm với vài chục ngôi nhà lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất. Nhiều ngôi nhà cổ đã bị xuống cấp qua thời gian, nhưng vẫn còn lưu lại nét cổ kính, mềm mại… Đây thực sự là nét chấm phá độc đáo nằm giữa lòng chảo thung lũng cao nguyên. Đêm cà phê trong quán đèn lồng phố cổ khiến chúng tôi thêm lưu luyến mảnh đất này. Nỗ lực đánh thức phố cổ được bắt đầu từ tháng 4/2006 khi UBND huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội Đêm phố cổ vào các ngày 14,15 Âm lịch hàng tháng. Ánh sáng mờ ảo hắt ra từ những chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước cửa quán, dọc theo lối lên tầng hai của quán khiến không gian lâng lâng như thực lại như mơ. Hay là do bạn và tôi đang ngây ngất sau một ngày đường quanh co đèo dốc, sau những chén rượu ngô men lá không thể chối từ bởi sự mời mọc đầy nhiệt tâm của người Hà Giang, sau vị cải cay đặc trưng của cao nguyên?

Tiếc là chúng tôi đã không kịp thưởng thức một chầu tắm nước lá của người dân tộc bởi cả đoàn chỉ có thể rời quán khi đêm đã xuống khá sâu trong không gian đặc quánh vấn vít sương đêm phố núi. May mà được bù lại bởi chợ phiên Mèo Vạc, họp vào sáng chủ nhật hàng tuần, sầm uất với từng khu riêng. Này là khu bán các loại rau như thể vừa hái từ sau vườn nhà. Rồi khu bán lợn, bán gà, bán dê, bán chó, bán bò… Khu bán đồ ăn lúc nào cũng chen chúc những sắc áo dân tộc khác nhau, xúm xít quanh những bếp lửa hồng, ăn ngon lành bát phở “bự” với nước luộc gà ngọt lừ thơm mùi lá sả, mà giá chỉ có 10 ngàn đồng. Trên những dãy bàn ngang dọc, người ta để sẵn vài chục bát bún lòng hay mì gà được chan sẵn nước, ai mua chỉ việc bưng lên ăn. Khi được hỏi chan sẵn như thế không sợ bị trương lên à, họ hồn nhiên: Dân ở đây nó thế, mùa lạnh thì ai ăn mới chan. Ừ, đúng là vì “nó thế” nên khách phương xa chỉ còn cách nhập gia tùy tục. Ấy vậy mà nhiều “anh Tây, chị Tây” vẫn xì xụp ngon lành.

Chúng tôi rời miền cao nguyên đá, lòng dặn lòng sẽ quay lại nơi đây để lạc vào phiên chợ tình Khâu Vai, họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. “Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…” Chợ tình Khâu Vai có lẽ sẽ trường tồn bởi ý nghĩa thực sự nhân văn của nó. Vì đây là nơi để những trái tim yêu nhưng không may trắc trở duyên phận tìm đến với nhau sau thời gian xa cách. Thậm chí có những đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ. Vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Nhưng họ không ghen tuông, không bực bội. Tôn trọng tuyệt đối góc khuất tinh thần của người bạn đời. Tuy nhiên, “cửa lòng” dứt khoát phải đóng lại khi ngày 27 tháng 3 đã trôi qua…

Rời Hà Giang, lòng còn mang mang nhớ những thành ngữ lạ lẫm nay đã được nhập vào kho từ vựng của người thành phố: Uống rượu quăng chài/ Uống 1 chén để cho 2 cái phát nương gặp nhau / Uống 3 chén để cho 2 cái ăn cơm gặp nhau/ Uống 7 chén để cho 2 cái (...) không nói nữa đâu...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Giang: không dành cho những người yếu tim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO