Hà Nội của Tô Hoài

Nguyễn Trương Quý 06/11/2020 09:00

Từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến tạp văn, Hà Nội trong văn Tô Hoài luôn đậm dấu ấn những quan sát hoặc trải nghiệm suốt cuộc đời hơn chín thập niên của tác giả. Qua Tô Hoài, Hà Nội không chỉ là phông cảnh cho các hoạt động mà thực sự hiện diện như một đề tài lớn của một tác giả.

Nhà văn Tô Hoài.

Hạt nhân và vệ tinh

Những truyện ngắn đầu tiên của Tô Hoài có khung cảnh Hà Nội của những kiếp người bên lề ánh sáng đô thị: nhà nghèo tan tác vì cảnh chạy lũ vỡ đê, gái quê ra thành phố bị dụ dỗ làm điếm... Khía cạnh phong tục và sinh hoạt bình dân từ chỗ là một đặc sản của Tô Hoài đã trở thành thế mạnh khi ông viết về Hà Nội. Ngay từ những sáng tác đầu của Tô Hoài, đô thị này đã hiện diện như một tiền đề, chi phối mạnh mẽ lên sự biến đổi nhiều phần tiêu cực của khung cảnh làng quê ngoại ô.

Mẫu nhân vật lưu lạc chìm nổi trở về làng quê, khu phố xuất hiện khá thường xuyên trong các tác phẩm của Tô Hoài. Với Tô Hoài, mẫu người lang bạt gây cho ông một mối đồng cảm, ông dành nhiều ưu ái khắc họa. Có thể nói đó là mảng chân dung đặc sắc của người vùng ven cũng như cả tầng lớp thị dân Hà Nội, trôi nổi theo thời, có toan tính nhưng không đủ sâu, ham lạc thú song không say đắm đến cùng.

Tô Hoài cũng dành nhiều trang viết về những nhân vật bên lề hoặc ngoài chuỗi quan hệ xã hội thông thường, chẳng hạn một người công an có nhiệm vụ theo dõi ông: “Mùi ít chữ, được cái chịu khó, không lên điệu vừa khoe vừa giấu dốt, như một số cán bộ tôi hay gặp luôn” (Chiều chiều)… Thế giới nhân vật thị dân Hà Nội của Tô Hoài thường hiện lên với những vất vả, tùng tiệm hơn là nhàn tản, sang cả. Nhìn chung, ý thức dựng nên chân dung những số phận không bình thường, thậm chí méo mó giữa đám đông bình thường của Tô Hoài khiến cho câu chuyện Hà Nội của ông luôn có dáng dấp một bi hài kịch.

Phấn và bụi kinh thành

Tô Hoài nhiều lần không giấu được việc bị thu hút bởi một giá trị Hà Nội, thông qua những trang viết về những người bạn văn có đời sống văn hóa gắn sâu với nơi này như cách ông viết về nhà phê bình Vũ Ngọc Phan hay nữ sĩ Vân Đài. Viết về Vân Đài, một tác giả Thơ Mới trong bối cảnh Hà Nội sau 1954, câu chữ ông dạt dào cảm xúc hơn mức bình thường: “Người giữ căng tin là chị Vân Đài. Ừ, con người đã viết cả một quyển sách dạy ai muốn trở thành Người thanh lịch thì ít nhất ở chỗ này cũng là dịp cho người cầm bút thấy được sự thanh lịch và vang bóng. …Thật như là trong chiều thu mặt hồ yên sóng, người đàn bà thanh lịch ấy bước ra. Cử chỉ và phong thái Hà Nội thuở nào, con người của phòng khách, của các thứ salông đài các và sang trọng xưa kia. Mặc dầu vẫn bộ áo đại cán kaki màu “be” may đồng loạt trên Thái Nguyên, nhưng quần áo là thẳng nếp. Mái tóc hoa râm, vẻ yểu điệu thanh xuân không còn nữa, nhưng cách thức nhấc, đặt chiếc phin và tách cà phê vừa như hững hờ lại thật như ý tứ. Ôi, điếu thuốc lá – chỉ là điếu thuốc lá mà nói là cầm thì không đủ nghĩa, điếu thuốc lá như một búp ngọc lan chín trắng mịn giữa những ngón tay một thời ngà ngọc của chị” (“Đời chị Vân Đài”, Những gương mặt). Dù câu chữ lãng mạn, kết thúc vẫn là một bi hài kịch: “Thiếu nợ nhà nước vài ba két bia uống chơi đã ăn nhằm gì, chưa khi nào chúng tôi tính đến chuyện trả. Rồi căng tin của chị Vân Đài vỡ nợ, đóng cửa” (sđd).

Tô Hoài dành nhiều câu chữ viết về Nguyễn Tuân, mà như với ông, tác giả này là một nhân chứng của đời sống Hà Nội đã đi qua: “Tôi không được cùng thời yên ba sầu xứ trong cái vỏ ốc thành phố này với các vị. Nhưng những khi đôi ba chén rỗi rãi, ngồi nghe kể, lại tưởng ra nguồn cơn vui thú của cái ông trưởng nam mới tý tuổi đầu đã được cụ thân sinh dắt theo đến phố Hàng Giấy thưởng thức đàn ngọt hát hay hẳn cũng có khác người, cho nên bóng dáng và tiếng tơ tiếng trúc xóm yên hoa còn dấu vết xa xưa lại trong tâm tư” (Cát bụi chân ai). Dường như Tô Hoài mượn những người bạn văn này để viết về phần Hà Nội mà ông giữ vị trí quan sát viên hơn là kẻ phiêu lưu. Trước sau ông vẫn “vào quán cà phê… thường chọn góc ngồi có thể nhìn bao quát. Muốn quan sát được nhiều thì cách ghi nhớ của nghề văn cũng đòi thế” (Chiều chiều).

Tô Hoài bằng lòng với vị thế quan sát viên bởi lẽ ông nhận ra thế mạnh của mình. Những chân dung văn nghệ thường được ông khảo kỹ lưỡng về bối cảnh xuất thân. Với Tô Hoài, con người sáng tạo chỉ thực sự là họ khi ở trong môi trường phù hợp. Chẳng hạn khi nhận xét về Nguyễn Bính, ông thẳng thắn chỉ ra nhà thơ này sa vào “hời hợt” khi viết về những “bụi kinh thành” của những đô thị Hà Nội, Sài Gòn, nơi không phải vườn cam với mái gianh quen thuộc. Ở đây, thông qua nhân vật đại diện là Nguyễn Bính, Tô Hoài từ chối những ảo mộng “nhà em ở cuối kinh thành/ Bên hồ Trúc Bạch nước xanh màu chàm” như Nguyễn Bính đã viết.

Ấn bản “Chuyện cũ Hà Nội” ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài.

Thẩm mỹ của thể loại

Tô Hoài không phải là người duy nhất sử dụng thể loại tùy bút, tạp văn để viết về Hà Nội, song có thể nói ông đem lại cho những thể loại này một quyền lực đáng kể, cạnh tranh về khả năng hấp dẫn bạn đọc so với thể loại “chính thống” của văn học như tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đề tài Hà Nội, về phố xá và con người của nó, nhiều người đã lựa chọn, song dường như phải đến Tô Hoài, ông mới là người có được duyên viết ra những sản phẩm có sắc thái giải trí.

“Chuyện cũ Hà Nội” được xuất bản lần đầu tiên năm 1986, đồng thời với trào lưu phục hồi các giá trị “tiền chiến” như Thơ Mới, văn xuôi 1930-1945, thỏa mãn sự tò mò của công chúng về một Hà Nội xưa cũ. Khác với tiểu thuyết ”Mười năm” hay “Những ngõ phố” nặng tính tuyên truyền, những trang viết sau Đổi mới của Tô Hoài đáp ứng cách đọc chuyên mục định kỳ trên các tờ báo giai đoạn này. Chúng ngắn gọn về dung lượng, đa dạng về đề tài, cung cấp những thông tin từ một người trong cuộc ở ngôi thứ nhất – “tôi”.

Đặc tính này tạo ra một không khí gần gũi, những dữ liệu mặc dù được văn chương hóa song có khả năng cạnh tranh với các sử liệu. Trong nhiều trường hợp, các dữ liệu Tô Hoài viết ra có thể gây hồ nghi, thậm chí có hơi hướng giai thoại, bởi vậy ranh giới giữa sự kiện được ghi lại và hư cấu đòi hỏi người đọc phán định. Sự không phân định rõ rệt này lại tỏ ra tương hợp với không gian đa thanh của phố phường.

Hà Nội trong văn của Tô Hoài là tổng thể của rất nhiều chi tiết được quan sát kỹ lưỡng. Những câu văn của ông giàu có các tính từ, từ láy, các mệnh đề song đôi, điệp ý, tạo ra một giọng đa thanh rất hữu dụng trong những dòng mô tả không khí xô bồ, nhộn nhạo của đô thị: “Các mụ Tú Bà nháo nhác, táo tác chạy đèn cù tán tỉnh chào hàng, nói thách, ngã giá, đòi tiền lót tay” (“Phố Mới”, Chuyện cũ Hà Nội); hoặc tạo ra một hình ảnh rực rỡ như bức tranh dân gian đậm màu truyền thống: “Ngày Tết, chị Hai mặc choang chóe, lóng lánh khuyên vàng, áo the cặp, khăn nhiễu hoa dâu, tóc đuôi gà thật thật dài (không phải tóc độn) ve vảy, tung tăng, môi nhai trầu cắn chỉ, mắt lẳng liếc có đuôi” (Mười năm). Khi viết về đề tài Hà Nội, Tô Hoài không mỹ hóa các câu chuyện. Sự lôi cuốn mảng đề tài này đem lại nằm ở chỗ lối viết của Tô Hoài có một phẩm chất folklore, đôi khi được nhận xét là tinh quái, “khinh bạc” (chữ của Vũ Ngọc Phan).

Di sản và sự mai một

Ghi chép về Hà Nội của Tô Hoài chọn góc nhìn vào những câu chuyện nhỏ, đôi khi là vặt vãnh của phố xá, mà cho đến cuối thế kỷ 20 người ta mới nhận thấy chúng là di sản của phố và đầy nuối tiếc nhìn chúng đang dần biến mất. Di sản ở đây bao gồm cả những di sản kiến trúc lẫn các phong tục sinh hoạt, văn bản, trước tác gắn liền với chúng.

Cùng với nhiều tác giả khác, Tô Hoài chính là một người đã làm công việc giữ một đô thị di sản trong những trang văn. Nhưng Tô Hoài không tìm kiếm những câu chuyện hoài cổ với sự luyến tiếc. Thái độ của Tô Hoài nhiều khi có vẻ lãnh đạm, chấp nhận những đổi thay, tuy rằng có lúc ông cũng không giấu sự trào lộng, chẳng hạn “Giấc mộng ông thợ dìu”. Thỉnh thoảng, Tô Hoài cũng gián tiếp mô tả Hà Nội với thái độ không giấu nổi sự chán ngán: “Tôi bay bất kể ngày đêm. Ròng rã lâu ngày lắm mới vượt ra khỏi được cái thành phố xù xì u ám gớm ghiếc ấy” (Dế Mèn phiêu lưu ký).

***

Có thể nói, Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị, như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hài hước, có tấm buồn bã. Nhưng điều thú vị nhất chính là người ta sẽ thấy bóng dáng Tô Hoài luôn ở một góc những khung hình đó, thong dong vừa đủ cho một sự hiện diện lão luyện hơn người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội của Tô Hoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO