Hà Nội: Quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

Q.M. (Theo suckhoedoisong) 19/07/2017 16:16

Dịch sốt xuất huyết đến sớm bất thường so với mọi năm đã khiến lượng bệnh nhân đổ về khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai tăng đột biến. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 7 này, số bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi so với tháng 6.

Các bác sĩ khuyên người dân không nên chủ quan khiến bệnh trở nặng, khi thấy có dấu hiệu sốt cao nên đi test nhanh SXH ngay trong ngày đầu tiên tại các tuyến huyện, tỉnh là có thể sàng lọc sớm căn bệnh này.

Sốt xuất huyết tăng chóng mặt

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận vào điều trị nội trú cho 199 bệnh nhân SXH Dengue. Đáng chú ý, trung bình từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2015 mỗi tháng có 10 ca SXH nhập viện nhưng từ tháng 5 trở đi số lượng BN mắc SXH tăng lên nhanh chóng.

Ngoài ra, số lượng người đến khám bị SXH cũng tăng lên rõ rệt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, phòng khám và tư vấn các bệnh truyền nhiễm của khoa có 20-25 trường hợp đến khám vì SXH. Tại phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm ở Khoa khám bệnh mỗi ngày cũng tiếp nhận 25-30 ca khám vì SXH. BN chủ yếu ở Hà Nội và các vùng lân cận, đối tượng từ trẻ em, học sinh sinh viên đến cụ già 85 tuổi đều mắc SXH.

TS. Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân SXH.

“Năm nay bệnh SXH diễn biến bất thường, đến sớm hơn mọi năm. Tháng 7 hiện đang là giai đoạn đỉnh cao với số mắc tăng đột biến chỉ trong nửa tháng đã có 90 BN điều trị nội trú, tăng gấp đôi tháng 6. Trong khi đó số giường bệnh có hạn, quá tải BN và BN vẫn tiếp tục vào không ngừng. Hiện tại có đến 2/3 số giường bệnh của Khoa là dành cho điều trị bệnh nhân SXH. Đa số BN khỏi bệnh, sau một tuần ra viện, không có biến chứng nhưng số lượng BN không ngừng tăng”- PGS. Cường cho biết.

Trước thực trạng đó, BV Bạch Mai đã tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, bổ sung thuốc men, dịch truyền, hạ sốt sẵn sàng, đồng thời giải quyết ra viện sớm cho các trường hợp bệnh nhẹ khác để ứng phó với bệnh SXH.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, khoảng 2 tuần trở lại đây số bệnh nhân SXH tăng nhanh, với hơn 200 BN khám mỗi ngày, tỉ lệ nhập viện 10 – 20%. So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân SXH tăng 4 lần và nhiều ca diễn biến nặng. Ca tử vong thứ 15 trên cả nước là ca xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo các chuyên gia, dịch SXH đang rất căng thẳng tại Hà Nội và cả phía Nam. Hiện, cả nước đã ghi nhận trên 50.000 trường hợp mắc, 15 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đáng chú ý là số ca mắc của miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh SXH.

Một trường hợp bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

Nên đi test nhanh sàng lọc sốt xuất huyết

Theo TS. Cường, SXH do muỗi vằn truyền bệnh cho con người, loại muỗi này sinh sống chủ yếu ở các vật dụng chứa nước (chum vại, chai lọ…) quanh nhà, chính vì vậy có trường hợp cả nhà đều mắc bệnh SXH. Bệnh SXH không chừa một ai, trong khi bệnh chưa có vắc xin dự phòng, do đó, TS. Cường khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

SXH có triệu chứng chính là sốt cấp tính và kèm theo xuất huyết. BN sốt kéo dài từ 2 - 5 ngày với biểu hiện sốt cao, nhức đầu, đau nhức hố mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn… Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, bệnh chuyển nặng, xuất huyết nhiều có thể gây chảy máu cam, rong kinh, rong huyết, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Đây là tình trạng bệnh hết sức nặng nề. Đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tiểu đường, bệnh phổi mạn tĩnh… thì rất dễ trở nặng.

Đang là thời điểm gia tăng số ca SXH, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi thấy có biểu hiện sốt cao đột ngột trong vòng 24h đầu thì nên đi test nhanh sàng lọc sớm SXH, tránh để lâu bệnh dễ trở nặng. Xét nghiệm này chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng là cho kết quả, và có thể thực hiện được cả ở BV tuyến huyện, tuyến tỉnh nên rất thuận lợi cho người dân. Trường hợp đã loại trừ SXH thì có thể theo dõi như sốt virus thông thường, không nên ùn ùn đến khám tại BV trung ương gây quá tải.

Quá tải trầm trọng, 2/3 số giường tại Khoa Truyền nhiễm hiện đang được dùng để điều trị BN mắc SXH.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO