Hà Nội với công tác giảm nghèo bền vững

H.Vũ 07/03/2019 07:00

Ngày 6/3 Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cùng các sở ngành, quận huyện có liên quan giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2018.

Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cho biết: Trong giai đoạn 2016-2018 tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm mạnh từ 3,64% năm 2016 xuống còn 1,16% vào cuối năm 2018, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020. Đến tháng 5/2017 Hà Nội không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước một năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố. Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm từ 13,38% xuống còn 3,7% vào cuối năm 2018, và có 4 quận không còn hộ nghèo.

Tuy nhiên cũng theo ông Thái, trong công tác giảm nghèo còn bất cập do tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa còn thấp, kiến thức về kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn hạn chế , điều kiện kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp.

“Nguyên nhân của những hạn chế trên là do năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện; đội ngũ cán bộ cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi chế độ chính sách”-ông Thái cho hay.

ĐBQH Trần Thị Phương Hoa đặt vấn đề: Hiện Hà Nội có tới 224 dự án đầu tư cho lĩnh vực giảm nghèo nhưng tỷ lệ dự án hoàn thành đạt kết quả thấp. Như trong lĩnh vực y tế có 7 dự án nhưng mới hoàn thành được 1 dự án; có 35 dự án về trường học nhưng mới đạt 19 dự án; 35 dự án về thủy lợi nhưng mới đạt 7 dự án; 104 dự án giao thông nhưng mới đạt 40 dự án, vậy còn bao nhiêu dự án đặt ra trong kế hoạch nhưng không hoàn thành được?

“Đáng chú ý thực chất mô hình giảm nghèo như thế nào vì có 30 mô hình về giảm nghèo, trong đó huyện Ba Vì có 10 mô hình, huyện Mỹ Đức có 20 mô hình nhưng 2 huyện này lại có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của thành phố. Vậy tính hiệu quả của các mô hình này là như thế nào?

Còn ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh thì cho rằng, phải xem lại chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, khi có nơi thực hiện được, nhưng có nơi không thực hiện được, vậy khó khăn vướng mắc là do đâu? ĐBQH Hoàng Văn Cường đặt vấn đề: Có hay không việc nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng lại muốn ở lại hộ nghèo, còn xã đã đưa ra khỏi diện khó khăn lại muốn ở xã khó khăn. Tại sao có chương trình hỗ trợ để thoát nghèo nhưng họ không muốn thoát nghèo? Từ đó mới có phương thức hỗ trợ giảm nghèo đúng.

Kết luận buổi làm việc, bà Bùi Huyền Mai - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Từ năm 2012-2018 Hà Nội đã đạt được kết quả toàn điện đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có 14 xã nghèo dù được đầu tư lớn. Đặc biệt còn có những vướng mắc tồn tại như giảm nghèo chưa đồng đều, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, chính quyền chưa làm tốt chức năng “bà đỡ” là kết nối doanh nghiệp với người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội với công tác giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO