Hải Dương: Chuyển đổi phù hợp, nông dân trồng cà rốt hưởng niềm vui sớm

Tâm Lê 14/01/2022 08:50

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cộng với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, cà rốt Hải Dương ngày càng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới và mang đến niềm vui lớn cho các hộ nông dân trồng loại cây này.

Về xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) những ngày này, chúng tôi tận mắt chứng kiến một không khí sản xuất nhộn nhịp từ những thửa ruộng trồng cà rốt đến các xưởng sơ chế. Sắc đỏ tươi thắm của các xe chở cà rốt ngập tràn từ bãi ngoài, bãi trong đến đường làng, ngõ xóm.

Chị Nguyễn Thị Ngát, một nông dân có nhiều năm gắn bó với việc trồng cà rốt ở xã Đức Chính cho biết, năm nay cà rốt được mùa, củ khá to và đẹp mã. Việc chăm sóc cà rốt cũng không vất vả lắm vì loại cây dễ sống, ít sâu bệnh. Mỗi lứa phải làm cỏ khoảng 2-3 đợt, tưới tiêu thì 2-3 ngày/1 lần nhưng đã có hệ thống tự động phun nước bố trí đều trên cả ruộng.

Việc chăm sóc cũng được cán bộ nông nghiệp, Hội nông dân các cấp hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nên các hộ dân đã làm chủ được công đoạn chăm sóc cây trồng từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch.

Vài năm trở lại đây, người dân chỉ phải lo trồng và chăm sóc cây trồng. Đến mùa thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp tới tận ruộng để đặt mua. Giá cả năm nay cũng khá tốt, khoảng 12-15 triệu/sào. So với các loại cây trồng khác như dưa hấu, rau các loại thì cà rốt vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Chị Nguyễn Thị Hồng, một nông dân khác ở xã Đức Chính phấn khởi chia sẻ, Cà rốt là loại cây rất khỏe sống hợp đất phù sa, ít bị sâu bệnh nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Cây phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu mưa nhiều, cây sẽ dễ bị hỏng, củ không được to đẹp và bị nứt dẫn đến khó tiêu thụ.

Mặt khác, củ cà rốt nằm dưới lòng đất nên khá an toàn và ít bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, do điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi nên năng suất cây cà rốt cao, chất lượng tốt và giá bán hợp lý. Ước tính, năng suất bình quân đạt khoảng 1,8 tấn/sào, trừ chi phí, gia đình chị Hồng thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Hình ảnh lao động, sản xuất tất bận, nhộn nhịp trên khắp các cánh đồng đến các xưởng chế biến cà rốt tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) những ngày này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Đức Chính có khoảng hơn 300 ha đất trồng cà rốt gồm 2 khu trong đê và ngoài bãi. Trong đó, toàn bộ phía ngoài bãi là chỉ có trồng cà rốt, phía trong đê trồng cũng khá nhiều nhưng thỉnh thoảng còn xen kẹt một vài loại cây khác và nuôi thủy sản.

Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, người dân địa phương còn phải thuê gần 1.000 ha đất ở các địa bàn lân cận và các tỉnh ngoài như Thái Bình, Bắc Ninh… để trồng cà rốt.

"Người dân quê tôi quý đất lắm, có nhà còn phải đi thuê thêm đất, diện tích trồng trọt lên tới mấy chục mẫu. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi và kinh nghiệm trồng trọt nhiều năm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng kịp thời nên bà con sản xuất hiệu quả, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay hơn trước...", ông Tưởng cho biết.

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ cà rốt Đức Chính không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn vươn đến các thị trường quốc tế khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Dubai... Vì thế, giá trị của cây cà rốt được tăng cao hơn nhiều khiến người dân vô cùng phấn khởi, hăng say lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong 2 ngày 11 và 12/1 vừa qua, hơn 600 tấn cà rốt trong lô hàng đầu tiên của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và Malaysia. Người dân phấn khởi vì vụ cà rốt năm nay có nhiều tín hiệu khả quan… Đây là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cà rốt của địa phương bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch, bệnh Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương: Chuyển đổi phù hợp, nông dân trồng cà rốt hưởng niềm vui sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO