Hai mặt của vỉa hè

Da Cao 23/03/2017 10:30

Trong một thời gian dài, các thành phố nước ta dường như đã quên đi một không gian đáng ra phải tồn tại nghiêm chỉnh ngay trong lòng nó, đó là vỉa hè. Thực trạng phát triển đô thị khiến không gian này dần mang tính hai mặt đối chọi với nhau nhưng không được để ý đúng mức. Mưu sinh tự phát của một bộ phận dân cư chiếm dụng vỉa hè xung đột với đòi hỏi về bộ mặt ngày càng văn minh, vươn lên chuẩn “đô thị văn minh” ở các thành phố trong thời hội nhập.

Vỉa hè dần quang đãng sau những đợt ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.

Thực tế cho thấy tình trạng “mặt mưu sinh” ngày càng lấn lướt mặt còn lại. Sinh hoạt của bộ phận thiểu số được coi như mặc nhiên tồn tại trên các vỉa hè. Dân thành phố, du khách có quá nhiều kinh nghiệm bản thân về việc phải vi phạm luật giao thông đô thị khi phải đi bộ xuống lòng đường chỉ vì việc kinh doanh vỉa hè đã choán hết phần lẽ ra dành cho họ.

Chưa kể đến khía cạnh thẩm mỹ bị “ô nhiễm” do việc khai thác vỉa hè tùy tiện theo hướng tư lợi mà bất chấp lợi công gây loang lổ cho bức tranh đô thị.

Cho nên việc gần đây chính quyền TP HCM, kế đến là TP Hà Nội mở chiến dịch lập lại trật tự nơi các vỉa hè đã làm dấy lên sự cổ vũ, đồng thuận của người dân. Sự đồng thuận này có cơ sở của nó.

Một là, cái gì thuộc của công thì không thể bị sử dụng cho lợi ích riêng, lợi ích riêng không thể chống lại lợi ích cộng đồng, hai từ “lấn chiếm” đủ nói lên điều này. Hai là, nỗ lực xây dựng đô thị văn minh không thể tồn tại vẻ nhếch nhác, tùy tiện thiếu quy hoạch của việc mưu sinh dựa vào vỉa hè.

Ba là, không thể bỏ qua mối nguy cơ từ vệ sinh an toàn thực phẩm bởi đa số kinh doanh ở không gian này là ăn uống với thực tế kiểm soát từ nguồn nguyên liệu đến chế biến bị thả nổi. Bốn là, xuất hiện tệ nạn “chống lưng” của một số người có quyền thế dung túng cho việc vỉa hè bị chiếm dụng mà lãnh đạo có trách nhiệm đã thẳng thắn thừa nhận.

Việc lấn chiếm vỉa hè vào mục đích mưu sinh quả là đã tạo ổn định được cuộc sống của bộ phận nhỏ người dân. Nhưng việc mưu sinh bằng cách lấn chiếm vỉa hè chỉ là tạm bợ, không phải một cái nghề bền vững, hơn nữa nó còn là sự phi pháp do chiếm công vi tư.

Đến nay TP HCM mới ra tay lấy lại vỉa hè, hoàn toàn không có nghĩa việc mưu sinh lấn chiếm không gian công cộng lâu nay là hợp pháp. Trong một xã hội đi lên no ấm, mọi người dân phải có cơm ăn áo mặc dựa trên công sức chính đáng của bản thân trong môi trường bình đẳng về cơ hội, điều này không có nghĩa là phải “hy sinh” lợi ích công cộng vì lợi ích của thiểu số. Vỉa hè thông thoáng còn là quy định của pháp luật về giao thông và kiến trúc đô thị.

Do vậy dù tình trạng chiếm dụng vỉa hè đã thành sự đã rồi thì pháp luật cũng không thể nhân nhượng cho phép tồn tại. Thế nên, không thể có “chủ nghĩa dân túy” trong quyết tâm lấy lại vỉa hè nhưng cũng nên nhìn nhận có một nền “văn minh vỉa hè” như một số nước đã làm. Hai từ “quy hoạch” rất có ý nghĩa khi TP Hồ Chí Minh cho tổ chức “phố bán hàng rong”.

Một là, không nên chia đều cho tất cả các đường phố phải có “phố hàng rong” như một phúc lợi vì như thế sẽ tràn lan làm hỏng ý nghĩa giải phóng vỉa hè. Trong quy hoạch, thiết nghĩ cần xem đến nhu cầu khu vực, những khu phố Tây hoặc khu trung tâm thu hút đông khách tham quan, vốn du khách có nhu cầu giải trí ẩm thực về khuya.

Hai là, chính quyền cũng cần quy định thành những khu bán hàng lưu niệm, khu ẩm thực, riêng với mặt hàng ẩm thực nào nên hạn chế bán rượu để không còn cảnh nhậu nhẹt say sưa gây ra những vụ việc phức tạp khác đe dọa sự bình an của người đi đường.

Ba là, nên dành cho người lao động có hộ khẩu thành phố. Vì sao vậy? Bởi, đó chính là giải pháp góp phần điều tiết sự di dân cơ học hợp lý, góp phần ngăn trách dòng chảy di dân bất cập từ nơi khác ùa vào thành phố như đã xảy ra và đã phát sinh không ít tiêu cực.

Lập lại trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ đang tiếp tục là chiến dịch lớn mang nhiều ý nghĩa của TP HCM và Hà Nội. “Một lần cho mọi lần”, thiết nghĩ, tính triệt để cần được coi trọng để làm đến nơi đến chốn trong việc trả cho thành phố bộ mặt ăn nên làm ra và văn minh của nó.

Không có một quy hoạch nào đạt mục đích nếu thiếu chiều sâu, và quy họach chất lượng tốt về chỉnh trang đô thị cũng khó hiện thực hóa nếu vi phạm nguyên tắc đặt lợi ích công, lợi ích của nhiều người lên trên lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai mặt của vỉa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO