Hải sản ứ đọng: Ngư dân, tiểu thương đứng ngồi không yên

Điền Bắc 28/09/2021 06:50

Qua 2 lần giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chợ đóng cửa, lưu thông gặp khó khiến hàng chục nghìn tấn hải sản của ngư dân Nghệ An bị ứ đọng.

Trước tình cảnh đó, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh đang đẩy mạnh liên kết chuỗi tiêu thụ hải sản giúp người dân.

Từ tháng 6/2021, nhiều địa phương tại tỉnh Nghệ An phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Điều đó, cũng đồng nghĩa, việc tiêu thụ nông, hải sản bị hạn chế rất nhiều. Nếu như nông sản có những cuộc “giải cứu” kịp thời thì mặt hàng hải sản lại rất bí đầu ra. Dù chuyển kênh bán hàng từ trực tiếp sang trực tuyến nhưng do các thị trường như Hà Nội, TP HCM... dịch diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ hải sản rất khó khăn.

Sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, chủ tàu cá 700CV của anh Nguyễn Văn Quý - trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cập bến mang theo gần 20 tấn hải sản các loại. Nhưng do giá xuống thấp khiến chuyến đánh bắt hơn 10 ngày của 12 ngư dân vẫn lỗ gần 25 triệu đồng. Theo đó, giá cá thu mua tại cảng trước đây 160.000 đồng/kg nhưng nay xuống 120.000 đồng/kg, mực loại 1 giá 300.000 đồng/kg nay giảm xuống dưới 200.000 đồng/kg...

“Thực sự rất khó khăn, không đi biển thì khoản nợ đóng tàu không biết lấy đâu mà trả. Nhưng đánh bắt về, hải sản xuống giá, giá xăng dầu tăng, chi phí nhân công đắt nên lỗ nhiều hơn lãi. Thậm chí, nhiều chuyến đi về phải nhờ các cơ sở cấp đông giải cứu, chứ không có người thu mua”, anh Quý cho biết thêm.

Nếu như ngư dân gặp khó khi hải sản xuống giá, thì các cơ sở cấp đông lại ứ đọng không thể tiêu thụ. Nhưng vì ngư dân nên họ vẫn phải thu mua khi có tàu cập bến. Anh Nguyễn Văn Sơn - chủ kho cấp đông ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò cho biết, suốt mấy tháng qua tôi đứng ngồi không yên khi trong kho còn khoảng 200 tấn hải sản các loại, nhưng lượng bán ra hàng ngày không đáng là bao.

Theo anh Sơn, trước dịch cơ sở của anh chuyên bán sỉ cho các thương lái, mỗi ngày khoảng 2-3 tấn hải sản. Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, lượng hàng bán ra rất ít, chủ yếu bán lẻ, mặc dù có bán online nhưng việc lưu thông khó khăn nên có “chốt đơn” cũng không biết vận chuyển như thế nào.

Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại các kho cấp đông ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… Điển hình như hợp tác xã Đoàn Kết (ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) có 10 kho đông lạnh chủ yếu cấp đông các mặt hàng hải sản, mực, cá thu, cá đốm... với trữ lượng trên 700 tấn. Số lượng hàng cấp đông của hợp tác xã lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và các tỉnh lân cận. Trong thời gian giãn cách, dù chính quyền địa phương đã tạo điều kiện như cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết, kết nối với các tư thương một số tỉnh miền Trung và phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ vẫn thấp.

Cũng giống như hải sản đánh bắt từ biển, đến nay hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè tại thị xã Cửa Lò đứng ngồi không yên khi hàng trăm tấn cá đến ngày “xuất lồng” nhưng không thể tiêu thụ. Không còn cách nào khác, họ buộc phải cắt giảm thức ăn của cá để “cầm cự” chờ hết dịch.

Ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Hoàng Mai cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị xã đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã hướng dẫn người dân, doanh nghiệp rà soát, tổng hợp các sản phẩm thủy hải sản và nhu cầu tiêu thụ. Sau đó, kết nối với các Sở Công thương, Sở NN&PTNT để tìm các kênh tiêu thụ cho người dân.

Còn ông Võ Văn Lý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò cho biết, hiện trên địa bàn thị xã có 45 hộ nuôi cá lồng với sản lượng đạt trên 300 tấn. Trong đó, có trên 100 tấn đã đến ngày thu hoạch, song do dịch bệnh nên không có nơi tiêu thụ. Chính quyền địa phương cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương Nghệ An và các địa phương khác hỗ trợ, kết nối giúp người dân tiêu thụ cá.

Lãnh đạo Sở Công Thương và Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài nên không những người dân nuôi cá lồng gặp khó khăn trong tiêu thụ, mà còn rất nhiều loại nông, hải sản trên địa bàn cũng đang gặp cảnh tương tự. Hiện, các cơ quan này đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối để đưa hải sản vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh và kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua nhằm giảm bớt số hàng tồn đọng cho ngư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải sản ứ đọng: Ngư dân, tiểu thương đứng ngồi không yên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO