Hai sự cố nhầm con ở Hà Nội: Bài học cho các cơ sở y tế

Mai Linh 20/03/2016 00:10

Những ngày vừa qua, hai sự cố trao nhầm con lúc sơ sinh ở Hà Nội được phát hiện sau hàng chục năm đã và đang thu hút sự quan tâm, thậm chí lo lắng của dư luận. Nhiều người cho rằng với cách quản lý sơ sài của nhiều nhà hộ sinh, bệnh viện những năm trước đây thì sự cố nhầm lẫn không phải là hy hữu.

Hai sự cố nhầm con ở Hà Nội: Bài học cho các cơ sở y tế

Ảnh minh họa.

Nhiều lo lắng

Chia sẻ về về lo lắng nhầm con của các bà mẹ chị Thu Hằng ở Tôn Đức Thắng – Hà Nội chia sẻ: Nói thật, hơn chục năm trước tôi sinh con tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội, dù mỗi mẹ con có một bộ số nhôm thống nhất, mẹ đeo ở tay, con đeo ở cổ, nhưng hàng ngày mỗi lần y tá đưa trẻ đi tắm mà lo ngay ngáy. Vì cùng lúc họ đón đến hơn chục trẻ của các phòng được đưa đi tắm, mẹ nằm tại cứ lo ngay ngáy, miên man nghĩ nhỡ khi tắm, cùng lúc hai ba cháu rơi cái dây đeo cổ rơi ra thì rất có thể đeo nhầm cho các cháu. Lúc nhân viên y tế đưa con về, cháu nào cũng được quấn khăn như nhau, hở mỗi cái mặt, nếu có nhầm con cũng khó có thể biết được.

Cùng tâm trạng như chị Hằng, chị Hằng Nga (Vĩnh Tuy) chia sẻ: Tôi mổ đẻ, sau mổ mẹ còn yếu quá, hộ sinh thường đến tận giường đón con đi tắm, rồi trả con tận giường. Khi con được đưa đi tắm, mẹ cứ loanh quanh trong phòng, chờ đón con chứ có biết phòng tắm ở vị trí nào đâu, rồi quy trình ra sao mà giám sát. Việc đảm bảo không tuột số khi tắm, lúc thay tã lót trông cậy hoàn toàn vào nhân viên y tế. Khi giao nhận con, nhân viên y tế đều kiểm tra đối chiếu, nhưng nói thật với cách làm thiếu trách nhiệm của một số người trong ngành thì không thể yên tâm hoàn toàn. Tôi nghĩ bệnh viện phải có phương án sử dụng loại thiết bị có thể hạn chế được sự tác động của chính cả nhân viên y tế.

Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Nguyễn Huy Bạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: Mấy chục năm về trước chuyện nhầm lẫn con sơ sinh ở viện là có thể xảy ra. Vào nghề từ cuối những năm 1975, ông cho biết những năm 70-80 tại các bệnh viện lớn, nhà hộ sinh Hà Nội, trẻ sơ sinh mới được viết tên hoặc đánh số vào đùi nhằm hạn chế sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, tùy theo chất lượng mực hoặc người viết cẩu thả thì mực có thể bị nhòe hoặc mờ đi. Vì thế, để khắc phục, sau này các cơ sở sinh sản chuyển sang đánh số. Mỗi cặp mẹ con sẽ có một bộ số giống nhau. Mẹ được đeo vào tay, con đeo vào cổ, khó nhầm.

Khắc phục kịp thời

Giải đáp những băn khoăn của dư luận về sự nhầm lẫn đáng tiếc của hai trường hợp mà báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, quy trình quản lý sau sinh được Bộ Y tế giao cho các bệnh viện tự thực hiện. Tuy nhiên, sau sự cố trao nhầm con diễn ra cách đây hàng chục năm vừa được công bố, Vụ đang cho rà soát lại quy trình này tại các bệnh viện để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế nhằm có những biện pháp quản lý chặt chẽ nhất, tránh sai sót trao nhầm, đánh tráo trẻ.

Về các biện pháp của ngành y tế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến – người từng nhiều năm làm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì từ trước năm 2011, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đánh dấu các cặp sản phụ - con sản phụ bằng các bộ số nhôm, một số được đeo vào cổ em bé, chiếc còn lại thì đeo vào tay mẹ. Bộ số này chỉ cấp một lần không cấp lại, không cấp cho hai sản phụ cùng lúc nên khó nhầm lẫn. Đi cùng với bộ số nhôm là bộ đồ sơ sinh gồm 3 áo và 1 mũ có cùng thông tin. Khi tắm cho bé, hộ sinh phải đối chiếu đúng số của mẹ - con kèm số ở áo sơ sinh. Sau này, trong quá trình thực hiện, nhận thấy việc dùng bộ số nhôm khá bất tiện và dễ bị tuột, nên bệnh viện đã thay bằng những chiếc vòng nhựa ghi thông tin bằng mực không phai.

Thứ trưởng Tiến cho biết thêm, khi cuộc sinh nở bắt đầu, sản phụ được nhân viên y tế phát 3 áo sơ sinh và một mũ đã hấp tiệt trùng. Khi tắm cho trẻ, gia đình sẽ trực tiếp đưa áo cho hộ sinh thay và khi xuất viện, gia đình mang về hoặc hủy bỏ để tránh nhầm lẫn. Có một điều rất căn bản là bộ vòng mẹ - con có nếu tháo ra sẽ không dùng được, nên chắc chắn loại trừ được tình trạng tháo từ bé này đeo sang bé khác. Số vòng do Trưởng khoa Đẻ trực tiếp quản lý, phát từng ngày theo số sản phụ và em bé chào đời.

Thứ trưởng Tiến cho biết, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đang áp dụng quy trình quản lý sau sinh hiện đại để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Cụ thể, ngay khi em bé chào đời, hộ sinh lập tức đưa em bé cho người mẹ để giám sát giới tính, giờ sinh, và đặt em bé còn chưa cắt dây rốn nằm úp trên bụng mẹ. Sau đó nhân viên y tế hỏi sản phụ tên của trẻ rồi viết bệnh án, đồng thời, ghi thông tin cơ bản của 2 mẹ con và số thứ tự sinh vào bộ vòng đeo tay nhựa bằng loại mực không phai. Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, chiếc vòng lớn được đeo vào tay mẹ, vòng nhỏ đeo vào chân con. Tiếp đó, các nhân viên y tế mới tiếp tục các thủ thuật với người mẹ. Đến khi chuyển 2 mẹ con ra phòng sau đẻ, trẻ sơ sinh vẫn nằm nguyên trên bụng mẹ. Trường hợp trẻ bị bệnh lý phải chuyển xuống Khoa Sơ sinh, phải có người nhà đi cùng, giám sát.

Theo Thứ trưởng Tiến, do được đeo bộ vòng đặc biệt nên khi trẻ được đưa đi tắm, đi tiêm hoặc phải làm xét nghiệm phục vụ công tác điều trị sẽ tránh được nhầm lẫn. Khi xuất viện, nhân viên y tế sẽ kiểm tra cặp vòng số trên tay mẹ và cổ chân em bé, nếu trùng khớp thông tin mới được xuất viện.

Còn TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết tại bệnh viện khi trẻ được đưa ra khỏi bụng mẹ sẽ trao cho sản phụ xem mặt để nhận dạng ban đầu các đặc điểm của trẻ, tiếp đó nhân viên y tế đeo vòng đánh số trùng khớp giữa mẹ và con. Loại vòng này có dây bằng cước và số khắc trên tấm kim loại bằng nhôm. Song TS Ánh cũng tỏ ra băn khoăn khi vòng bằng dây cước dễ tháo bỏ khỏi trẻ nên nếu ai đó rắp tâm đổi vòng giữa các bé thì chuyện nhầm con vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, tới đây có thể bệnh viện sẽ ứng dụng quy trình hiện đại như Bệnh viện phụ sản Trung ương để hạn chế mọi sự nhầm lẫn đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai sự cố nhầm con ở Hà Nội: Bài học cho các cơ sở y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO