Hải Vân Quan sẽ sớm được trùng tu

H.V. 04/05/2017 09:00

Không ai ngờ, một di tích, một danh lam đẹp như Hải Vân Quan mà đến tận ngày 14/4/2017 mới được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL.

Sự muộn màng trong việc xếp hạng di tích có lẽ do di tích Hải Vân Quan nằm ở ranh giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng (nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nhờ vào việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia này, di tích Hải Vân Quan sẽ sớm được trùng tu.

Sau khi di tích được xếp hạng, chiều 24/4, lãnh đạo Sở VHTT TP Đà Nẵng và Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã thị sát và bàn giải pháp bảo vệ, trùng tu di tích Hải Vân Quan.

Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - năm 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo”, tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Công trình được xây dựng ở độ cao 490 m so với mực nước biển, là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công. Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía nam.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, 20 năm trước, khi đang còn công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, chính ông đã làm một bộ hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng hai địa phương không thống nhất được, dẫn đến suốt một thời gian dài Hải Vân quan bị bỏ quên.

Việc cần làm ngay lúc này, theo ông Dũng là ngành văn hóa hai địa phương phải tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích (tiếng Việt và tiếng Anh) và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích.

Ông Dũng đề xuất xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, loại bỏ các bộ phận hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của di tích, như vọng gác phía trên cổng Hải Vân quan, các lô cốt xây trên đất di tích hay những nền móng công trình xây dựng dân sinh đã bị phá dỡ…

Trước khi tôn tạo hay xây dựng bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, Sở Tài nguyên Môi trường hai địa phương cần thu hồi đất lâm nghiệp để cấp quyền sử dụng đất mới. ông Dũng nói: Không thể phân biệt khu vực thuộc bên này, hay bên kia mà để buông lỏng quản lý. Chúng ta cần rút kinh nghiệm vì vừa qua có bài học Hoành Sơn quan giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, cả hai địa phương cùng công nhận di tích và cuối cùng cả hai bên đều thả tay, hoặc ở một số nơi khác.

Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng cho biết, qua 2 cuộc chiến tranh nên Hải Vân Quan bị biến dạng nhiều. Có nhiều công trình và lô cốt chồng lên di tích, nên về lâu dài bằng mọi cách trả lại nguyên trạng. Những công trình không phù hợp trên đất hai địa phương quản lý thì tháo dỡ, còn nằm trên đất quốc phòng thì làm văn bản đề nghị Quân khu 4 và Quân khu 5 cho phép giải tỏa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Vân Quan sẽ sớm được trùng tu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO