Hai vệt sáng của văn xuôi trẻ 2016

12/04/2017 09:05

Không cần phải nói thì chắc ai cũng biết cái sự thật hiển nhiên này: một năm của văn chương nói chung, trong cái dòng thác lũ ào ạt sách vở được in ra, dù ít hay nhiều, thế nào cũng có tác phẩm của những người trẻ (dưới bốn mươi tuổi là trẻ, theo quan niệm của tôi). Những người trẻ ấy, có người từng xuất hiện trước đó, có người lần đầu tiên ra mắt làng văn, nói sao mặc lòng, họ vẫn là một trong những yếu tố quan trọng để ta có thể căn cứ mà đưa ra đoán định về sự đắc thất của một năm văn chương.

Đã có năm mất trắng, vì chỉ xuất hiện toàn những người trẻ đã kịp cằn cỗi về văn trước khi già héo về tuổi đời: họ lờ mờ trong cái cũ kỹ, họ không mang đến được một cái gì mới cho văn chương. Nhưng riêng năm 2016 vừa qua, với tôi, văn xuôi trẻ Việt Nam được mùa khi chứng kiến ít nhất hai sự xuất hiện khác lạ và có nhiều hứa hẹn, hai vệt sáng: đó là Đinh Phương (sinh năm 1989, tại Quảng Ninh) với tiểu thuyết “Nhụy khúc” (Tao Đàn & NXB Hội nhà văn), và Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994, tại An Giang) với tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ” (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn).

“Nhụy khúc” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Đinh Phương, sau khi anh đã xuất bản hai tập truyện ngắn được đánh giá có nhiều tìm tòi, là “Những đứa con của trời” và “Đợi đến lượt”. Trang cuối cùng của “Nhụy khúc” có đoạn: “Như kẻ mất trí nhớ, không còn là con người, một con người sống ít nhiều phải cần đến nguồn gốc, các mối quan hệ với quá khứ dù thật sự đau đớn, dù liên tục phải phủ các thứ khác lên để giảm đau”. Đây là diễn ngôn của nhân vật người kể chuyện xưng “mình”, tức cô gái tên Trang, song cũng có thể đọc nó như lời của tác giả, một diễn ngôn dẫn chiếu đến hành vi viết: viết, như một chống lại sự lãng quên ký ức. Thật vậy, suốt từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết, dù có trải qua rất nhiều gấp khúc thời gian xô lệch, thì “Nhụy khúc” vẫn luôn là câu chuyện nhân vật Trang tìm về với những gì đã xảy ra, với quá khứ. Quá khứ gần và quá khứ xa. Quá khứ gắn chặt với cuộc đời Trang và quá khứ chỉ bám dính lỏng lẻo với đời sống cộng đồng như một ngẫu nhiên của lịch sử.

Từng mảng ký ức được lật lên một cách lộn xộn, nhiều khi trộn lẫn vào nhau, mờ nhòa ranh giới trong sự ôm trùm của một không khí tiểu thuyết mơ hồ. Ở những cận cảnh, người ta thấy quá khứ có khi là hình ảnh bố mẹ Trang, được tả khá chi tiết, trong một buổi trưa mà hai người quyết định li dị: “Bố mẹ ngồi đối diện nhau. Bố bên trái, mẹ bên phải. Sau mẹ là cửa sổ. Cạnh bố là bức tường nham nhở tróc, miếng vữa nhẹ chạm là rơi… Giữa bố mẹ là bàn. Trên bàn là tờ giấy. Bốn cốc uống nước hoa hồng trong đó có hai cái sứt tai để một bên”. Nhưng ở những toàn cảnh, quá khứ nhiều khi cực kỳ mù mờ, như câu chuyện về làn sương mù tháng 11 năm 1925 đã nuốt gọn toán lính Pháp hai mươi người trên phố Q, không để lại dù chỉ một chút dấu vết. Và điều đáng nói là tác giả không bao giờ để cho Trang đi đến hết cuộc tìm về của mình. Số phận của toán lính Pháp ra sao? Tại sao bố mẹ Trang bỏ nhau? Tại sao Vũ, bạn thân của Trang, tự tử đến hai lần? Ngôi mộ đá trên núi mà mẹ vẫn dẫn Trang lên thắp hương mỗi độ đầu thu là mộ của ai?... Tất cả đều được/ bị bỏ ngỏ, đến độ người ta buộc phải tin rằng Đinh Phương vốn không định kể lại một câu chuyện rõ ràng: anh cho nhân vật mắc kẹt và hoang mang giữa các cuộc tìm về cốt là để khai triển “lối viết sương mù” (chữ của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu, trong Lời tựa), một lối viết xóa nhòa cuộc sống của con người với cuộc sống của cuốn tiểu thuyết, một lối viết nỗ lực thoát khỏi “chất văn xuôi” để chạm tới và duy trì “chất thơ” của văn bản ngôn từ. “Nhụy khúc” có khá nhiều đoạn thơ/ văn xuôi thảng thốt như lời nói trong cơn mộng du, nhưng lại đủ sức neo bám lâu trong ấn tượng người đọc: “Nhụy khúc mọc hết sườn núi, mình chạy hết một vòng vẫn không thấy mệt. Mình gọi chuồn chuồn ơi đợi tao với, chuồn chuồn không nghe thấy tiếng gọi. Mắt mờ dần, trong mắt mình là ngàn vạn ngôi sao trắng xóa đang rụng từ trời xuống. Vén áo lên hứng đầy một bụng áo mà sao vẫn rơi. Mặc kệ ngàn vạn đôi mắt nhìn về phía mình buồn bã, mình hứng sao đã.

Chẳng cần chuồn chuồn ngô, giờ mình đã có sao. Sao ở khắp mọi nơi, sao ở xung quanh, các mảnh sao vụn cũng đẹp đến lạ lùng. Mải đuổi theo các ngôi sao đang rơi mình không còn biết gì nữa…”. Có thể nói, lối viết này của Đinh Phương thực sự là một thách thức đối với rất, rất nhiều độc giả vốn quen đọc tiểu thuyết chỉ để tìm một câu chuyện hoặc một vấn đề chính trị/ xã hội/ tình cảm nào đó. Lối viết khác đề xuất lối đọc khác, đó là điều mà Đinh Phương đã làm được bằng cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Như thế, tức là đã làm được một điều đáng kể.

Huỳnh Trọng Khang lại là một trường hợp đáng kể theo cách khác. Huỳnh Trọng Khang hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình năm hai mươi tuổi (2014). Hai năm sau tác phẩm ra mắt công chúng với cái tên gợi nhiều ám ảnh: “Mộ phần tuổi trẻ”. “Mộ phần”, hay còn gọi “sinh phần”, là miếng đất dành sẵn để chôn cất thi hài của ai đó hiện vẫn đang sống. “Mộ phần” ở “Mộ phần tuổi trẻ”, như nội dung của “cái được kể” trong tác phẩm cho biết, là cuộc chiến tranh khốc liệt nuốt trọn hai mươi năm giữa thế kỷ XX trên đất nước Việt Nam (1954 – 1975). Chiến tranh chính là “mộ phần” của/ cho “tuổi trẻ”, tức thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam lớn lên vào những năm 1960, trong nỗi khiếp sợ cuồng loạn trước chiến cuộc ngày một dâng cao, trong cả niềm ngất ngây mụ mị được cuốn mình theo phong trào hippi và đủ thứ triết lý hư vô chủ nghĩa. Những thanh niên ấy – như nhân vật người kể chuyện xưng Tôi (con trai một ông trung tướng Việt Nam cộng hòa), như anh Ba anh Tư và các bạn hữu của anh ta – là nạn nhân của thời đại, và cũng là thủ phạm của chính những mất mát mà số phận họ phải gánh chịu. Nhiều cái chết trẻ được kể lại trong tác phẩm: có cái chết đột ngột tức tưởi; có cái chết như là sự tự hủy dần dần; có cái chết vì lý tưởng mù quáng, có cái chết lại hoàn toàn vì ảo tưởng.

Những người không chết thì chạy trốn: vào rượu, ma túy, tình dục, sách vở. Và trên hết, là chạy trốn vào tình yêu, như một nỗ lực lãng quên thực tại, như một tìm kiếm sự chở che cứu rỗi cho tâm hồn. Ý thức về tình thế “bị sinh ra”, ý thức về sự bất lực của mình giữa cái thời đại mà đến cả pho tượng cũng không còn là vô tội, họ nhận mình là “những tên khốn”. Những tên khốn ưa triết lý. Những tên khốn biết yêu. “Giữa những cuộc chiến là tình yêu”, câu văn này lặp lại nhiều lần trong tự sự của nhân vật người kể chuyện, như một câu văn giữ nhịp, và như một xác tín. Để rồi rốt cuộc, khi tận mắt chứng kiến cuộc đấu súng sinh tử giữa anh trai và người mình yêu trong một ngày đầu xuân năm 1968, giữa đô thành Sài Gòn ngụt lửa, anh chợt nhận ra, bàng hoàng, tê điếng: “Trước mặt tôi là chiến tranh, sau lưng tôi là chiến tranh, nhưng giữa chiến tranh không phải là tình yêu, giữa chiến tranh là hận thù”.

Huỳnh Trọng Khang giãi bày ở lời cuối sách: anh đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay như một “cuộc chiến của tôi với những con chữ”. Cần phải hiểu câu này theo nghĩa đen. Bởi, có thể thấy rất rõ ở “Mộ phần tuổi trẻ” một nỗ lực kiến tạo cấu trúc tiểu thuyết khác lạ. Nó đòi hỏi rất nhiều dụng công để, từ điểm nhìn hồi cố, ký ức của người kể chuyện trải ra như một bức tranh lập thể, trong đó có sự chồng chéo của những khoảng thời gian lệch nhau, sự liền mạch của những sự kiện xảy ra ở rất xa nhau, sự giao thoa giữa những tư liệu lịch sử khả tín với hư cấu văn chương. Ở phương diện nào đó, “Mộ phần tuổi trẻ” của Huỳnh Trọng Khang là tiểu thuyết về một “lịch sử gần”. Nó đưa người đọc hôm nay về với miền Nam Việt Nam của một thời. Nó xóa bớt mây mù huyền thoại bao quanh những yếu nhân của hai nền Cộng hòa (Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, Nguyễn Văn Thiệu v.v…) bằng sự tiếp cận ở cự ly gần và một cái nhìn thân mật hóa, xuồng xã hóa của người kể chuyện. Dễ thấy ở “Mộ phần tuổi trẻ” một ý hướng tái hiện cái phong phú, cái đặc sắc của văn nghệ miền Nam trong hai mươi năm chiến tranh. Đau thương, nhưng miền Nam vẫn hằng sống, vẫn vượt qua sự vùi dập của chiến tranh mà góp cho nền văn nghệ Việt Nam hiện đại những Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên v.v… Miền Nam ấy, nói như câu kết của cuốn tiểu thuyết: “Nó thuộc về một dĩ vãng, cái thuở mà những đứa con của thời đại chắp tay trước trái tim, tụng khúc kinh cầu cho sự ngây thơ đã mất”. Miền Nam ấy, với Huỳnh Trọng Khang, là một nuối tiếc.

Có một điểm chung ở tiểu thuyết đầu tay của hai người trẻ Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang, đó là dấu ấn rất đậm của cái đọc trên/ trong cái viết. Gộp chung lại, ta thấy khá nhiều tên tuổi thi sỹ, tiểu thuyết gia, triết gia nước ngoài (chưa kể Việt Nam) được trích dẫn hoặc được nhắc đến trong hai tác phẩm: Jorge Luis Borges, Nathalie Saraute, Claude Simon, Haruki Murakami, Yukio Mishima, Rimbaud, Verlaine, Nietzches, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Heidegger, Vladimir Nabokov…

Cái đọc của tác giả ở đây đã trở thành một bộ phận cấu thành của cái viết, nó tham gia vào văn bản ở mọi cấp độ (lời người kể chuyện, lời nhân vật, những trích dẫn được/ bị nhại), và bởi thế, nó tạo ra những liên văn bản rộng lớn, bắt buộc người đọc chỉ có thể đọc/ hiểu chủ yếu bằng trải nghiệm văn hóa chứ không phải bằng trải nghiệm đời sống ở cái “cõi người ta”. Đặt trong bối cảnh văn chương Việt Nam đương đại, khi mà nhiều người viết vẫn coi “phản ánh” như một trong những yếu tính của văn chương, coi “vốn sống thực tế” như một trong những điều kiện quan trọng nhất đối với nhà văn, thì quả thật “Nhụy khúc” của Đinh Phương và “Mộ phần tuổi trẻ” của Huỳnh Trọng Khang đã cho thấy một kiểu người viết và một kiểu viết khác. Có thể không còn là mới với văn chương thế giới, nhưng lại khá mới với văn chương Việt Nam hiện nay. Đây cũng chính là một trong những lý do cho tôi xác quyết: Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang là hai vệt sáng của văn xuôi trẻ, và không chỉ văn xuôi trẻ, của năm 2016.

Hoài Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai vệt sáng của văn xuôi trẻ 2016

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO