Hai vụ việc khác nhau cùng chung câu hỏi: Trách nhiệm

M.L- H.M (ghi) 04/11/2016 14:35

Bên hành lang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; khi mà dư luận cử tri và nhân dân vẫn chưa hết sốc vì những thông tin được đưa ra trong tuần qua trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Câu chuyện nước mắm nhiễm Arsen hay chuyện một sở có 46 cán bộ công chức nhưng lại có tới 44 lãnh đạo- ĐBQH cũng bày tỏ sự quan tâm tới các vấn đề này. Và, không hẹn mà gặp, vấn đề trách nhiệm đã được 2 ĐBQH cùng nói đến trong 2 vụ việc khác nhau.

Ông Phạm Tất Thắng.

ĐBQH Phạm Tất Thắng- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội: “Đúng quy trình” ba chữ ấy nhiều khi gây dị ứng cho xã hội

PV: Một sở của một tỉnh có tới 44 lãnh đạo và chỉ có 2 nhân viên, ông có suy nghĩ gì về điều này?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Khi vụ việc bung ra, dư luận và báo chí vào cuộc thì các cơ quan chức năng đều trả lời là đúng quy trình. Cho nên giờ đây nó đã trở thành như một sự dị ứng của xã hội với khái niệm “đúng quy trình”. Thế thì, chúng ta phải xác định việc này như thế nào?

Trước hết, cần nói rõ, quy trình của chúng ta ở đây phải nói là khá chặt chẽ; nhất là về công tác cán bộ. Chúng ta có chủ trương của Đảng; kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết của chính quyền khá rõ. Rồi chúng ta còn có lộ trình, có tiêu chuẩn, điều kiện… Vậy tại sao vẫn có những hiện tượng như kiểu một sở 46 cán bộ, viên chức thì có tới 44 người làm lãnh đạo!?

- Tôi cho là quy trình thì đúng như vừa trao đổi. Nhưng rất có thể việc thực hiện quy trình ở đây là không đúng. Ở đây có yếu tố chủ quan, liên quan đến những người thực thi. Để giải quyết tình trạng này, theo tôi, cần rà soát một lần nữa. Cần xem, công tác quy hoạch cán bộ chỉ là cá biệt hay phổ biến ở một mức độ nào đó. Trên cơ sở đó, chúng ta cần đánh giá lại tiêu chuẩn cho cụ thể chặt chẽ hơn.

Cái nữa là việc, chúng ta phải quan tâm tới quá trình thực hiện quy trình. Tức là phải quy rõ trách nhiệm của cán bộ ở từng cấp, từng khâu. Những sự việc mà chúng ta đã phát hiện ra; hay sắp tới đây có thể phát hiện ra, qua việc thanh tra kiểm tra thì phải xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, không né tránh việc: Nếu đã ngồi sai thì cần phải đối chiếu với tiêu chuẩn, điều kiện, quy hoạch; yêu cầu thực tiễn về sử dụng cán bộ của cơ quan đơn vị đó xem có đúng hay không. Và dù bổ nhiệm mà là bổ nhiệm sai, chúng ta phải trả những người đó về đúng vị trí của họ.

Đây là việc cần phải được lưu ý hơn nữa trong thời gian tới nhằm tránh hiệu ứng không tốt liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ trong điều kiện chúng ta đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Hiện nay đang có ý kiến đề nghị xem xét lại việc bổ nhiệm; đặc biệt là bổ nhiệm cán bộ vào cuối nhiệm kỳ. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Qua vụ việc của Hải Dương, tôi thấy: Cần có một đánh giá tổng thể về quy trình bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức viên chức. Tình trạng bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ thì ở Quốc hội khóa trước chúng ta cũng đã từng nói và cũng được báo chí quan tâm. Tôi đồng thuận với ý kiến cho rằng, nhân vụ việc này cũng cần rà soát lại xem có chuyện lợi dụng cuối nhiệm kỳ để bổ nhiệm tràn lan hay không?

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, ông đánh giá thế nào về việc cần kiểm soát quyền lực của người đứng đầu?

- Trước tiên, trở lại vấn đề của Hải Dương. Điều này phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của cơ sở đó. Phải xem, “anh” được định biên bao nhiêu người? có bao nhiêu chuyên viên, bao nhiêu lãnh đạo cấp phòng, cấp sở?

Đã có quy định chặt chẽ mà bổ nhiệm sai thì cũng có thể hiểu đây là trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo sở trong bổ nhiệm cán bộ cấp phòng. Thứ đến là việc kiểm tra của ngành chức năng trong sử dụng đội ngũ biên chế của cấp sở hàng năm; rồi quản lý của cấp ủy, cấp trên sở đó như thế nào?

Ông đánh giá thế nào về việc Thủ tướng yêu cầu thanh tra công vụ qua vụ việc này?

- Chỉ đạo nhanh và quyết liệt của Thủ tướng là cần thiết. Không phải chỉ là chuyện cụ thể này mà nó còn là chuyện có hay không sự bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ như vừa nói trên. Việc thanh tra công vụ ở đây giúp ta rút ra bài học gì? Và không chỉ dừng ở việc cụ thể của Hải Dương; mà cần ở trên bình diện rộng hơn xem xem việc chúng ta quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chiến.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam: Cần chế tài đủ mạnh để ngăn việc sử dụng truyền thông đưa thông tin sai lệch

Đó là ý kiến của ĐBQH TP Hà Nội đồng thời hiện đang là Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam xung quanh sự kiện công bố khảo sát về nước mắm của VINASTAS thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng: Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, mỗi một phát hiện liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đều đã được các cơ quan có chức năng như VINASTAS đăng tải nhanh chóng để người dân được biết.

Nhưng vấn đề là ở chỗ, bên cạnh những thông tin nhanh chóng tích cực, đảm bảo cho người dân biết và định hướng sử dụng hiệu quả sản phẩm của nhà sản xuất thì thời gian qua, liên quan đến những câu chuyện của quả bưởi, quả nhãn hay mới đây là câu chuyện của nước mắm nhiễm thạch tín đã cho thấy những vấn đề không nhỏ.

Thông tin về nước mắm được báo chí đăng tải nhanh chóng. Từ thực tế ô nhiễm môi trường; rồi thực tế những thực phẩm bẩn hiện vẫn có trên thị trường thì công bố ấy đã tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng. Đối với nước mắm, một sản phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người Việt, rất được quan tâm, đã dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng: Qua việc xem xét, đánh giá một cách chính xác, khoa học hơn thì kết quả do Bộ Y tế công bố ngày 22-10 vừa qua cho thấy các mẫu của Bộ Y tế lấy đã nhiều hơn, đa dạng hơn rất nhiều so với VINASTAS công bố. Chính kết luận của Bộ Y tế đã giúp lấy lại lòng tin trong người tiêu dùng về một sản phẩm truyền thống. Và thực chất đây là thông tin minh bạch, rõ ràng hơn; bảo đảm cho sản phẩm truyền thống của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường.

Nói tới câu chuyện trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như truyền thông, ông Chiến cho rằng: Cần phải đăng tải mạnh mẽ hơn nữa kết luận ngày 22-10 của Bộ Y tế nhất là khi nước mắm truyền thống rõ ràng đạt Quy chuẩn Việt Nam. “Các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin chưa đầy đủ cũng cần có thông tin mạnh mẽ hơn để người dân rõ hơn.”- ông Chiến đề xuất.

Khi được hỏi về chế tài đối với việc công bố thông tin thiếu minh bạch, không đúng bản chất vụ việc, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư nêu: Công bố thông tin tác động xấu đến người dân, cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng như cơ quan truyền thông cần rút kinh nghiệm để không xảy ra các sự cố như vừa qua.

Ông Chiến nhấn mạnh thêm bài học, đó là, từ vụ việc này, truyền thông cần đánh giá tác động xã hội của thông tin theo chiều hướng nào. Nếu một thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều người dân cũng như hoạt động sản xuất bình thường của DN thì cần có trách nhiệm hơn trong thông tin. Thực tế thì sự việc nó đã xảy ra, đã đăng tải rồi. Vậy, bây giờ cần khắc phục thế nào? “Vấn đề đặt ra đối với mỗi một cơ quan khi cho truyền thông các vấn đề nhạy cảm này thì đều có các quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của họ đối với các thông tin đưa ra. Trước hết cần chiếu theo quy định của pháp luật có liên quan để điều chỉnh với các cơ quan. Nếu hậu quả tác hại lớn hơn thì cần phải rà soát các quy định pháp luật xem đã có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc lợi dụng phương tiện truyền thông nhằm đưa ra thông tin sai lệch, khiến rối loạn thị trường; nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc có mưu đồ xấu gây tác hại, mất ổn định trong vấn đề kinh tế xã hội hay chưa?” - ông Chiến nói và nhấn mạnh: Cái này thì cần phải rà soát, để tạo nên sự minh bạch cho môi trường kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai vụ việc khác nhau cùng chung câu hỏi: Trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO