Hạn hán nghiêm trọng và kéo dài: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

Lan Phương 22/07/2015 09:45

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của ngành nông nghiệp ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Bộ NN & PTNT, hạn hán khốc liệt đã kéo tốc độ tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm tụt dốc. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Hạn hán nghiêm trọng và kéo dài: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

Nhiều cánh đồng ở miền Trung và Tây Nguyên
đang trong tình trạng đồng khô, cỏ cháy

Nhiều diện tích đất không thể sản xuất

Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, nắng nóng gay gắt trên toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, đặc biệt tháng 4, 5 và tháng 6-2015 vừa qua nhiệt độ cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, lượng nước bốc hơi bề mặt lớn làm thiếu hụt trầm trọng dòng chảy và dung tích các hồ chứa trong tình trạng cạn kiệt, hạn hán xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến đời sống nông thôn vùng khô hạn.

Đến nay toàn vùng đã xuống giống lúa vụ Hè Thu 202.580 ha, bằng 93,3% so cùng kỳ năm trước. Tỉnh Ninh Thuận có 5.023 ha lúa và khoảng 5.000 ha đất màu phải bỏ đất trắng; Khánh Hòa chỉ đủ nước gieo sạ 8.300 ha lúa, còn gần 10.000 ha chờ mưa, chưa gieo sạ được; Bình Thuận phải chuyển trên 2.000 ha Hè Thu sang gieo sạ vụ Mùa khi có mưa; Bình Định có 8.500 ha lúa Hè Thu bị thiếu nước, trong đó có khoảng 500 ha lúa vụ Hè đang trỗ bị mất trắng.

Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương các tỉnh vùng DHNTB có khả năng sẽ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ tháng 7 và có khả năng tiếp tục thiếu hụt mưa, do vậy tình trạng khô hạn sẽ vẫn xảy ra nghiêm trọng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 2,36%, mức này thấp hơn so với năm 2014 (2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý, trồng trọt là lĩnh vực có tốc độ tăng thấp nhất chỉ đạt 1,08% (mức tăng 6 tháng của năm 2014 là 2,8%), trong khi lại chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%) nên đã kéo tốc độ tăng của ngành nông nghiệp xuống thấp. Nguyên nhân chính được xác định là do tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như: mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy tính chất khốc liệt của hạn hán năm nay. Khu vực Nam Trung bộ, nhất là tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa được cho là hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại, các hồ chứa ở Ninh Thuận cơ bản hết nước, dung tích đều dưới 10%; ở Khánh Hòa dung tích các hồ chứa còn khoảng 17%. Vụ hè thu, dự kiến Ninh Thuận dừng sản xuất khoảng 10.229 ha, chiếm 34%, còn Khánh Hòa dự kiến dừng sản xuất 10.400ha, chiếm 24%.

Trong thời điểm hạn hán cao nhất, có khoảng 122.000 ha ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, trong đó nhiều nhất là Đắk Lắk 61.000 ha, Đắk Nông 17.000ha… bị ảnh hưởng. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3,112 triệu ha, giảm 4.300ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153.000 tấn (tương đương giảm 0,7%).

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết với tình hình hạn hán hiện nay, các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị sẽ có khoảng 50.000 ha không thể trồng được bất kỳ cây gì.

Hạn hán nghiêm trọng và kéo dài: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp - 1

Giải pháp khắc phục mang tính tình thế

Trước tình hình nắng nóng, hạn hán vẫn đang tiếp tục xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 150,6 tỷ đồng cho 8 địa phương và 3 công ty của Bộ NN&PTNT từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2014-2015. Bộ NN&PTNT cũng đã bàn với các địa phương và Chính phủ cùng hỗ trợ để nông dân chuyển sang trồng cây sử dụng ít nước như ngô, đậu đỗ, cỏ.

Cụ thể, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh DHNTB tập trung chỉ đạo sản xuất lúa, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày lưu ý đối với diện tích lúa đã xuống giống, các tỉnh bị hạn và đang tiếp tục có nguy cơ hạn kéo dài như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định cần tập trung khoanh vùng diện tích đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ, tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh, bón phân cân đối NPK, theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời để khai thác tối đa tiềm năng năng suất lúa. Áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thủy nông, điều tiết nước khoa học, tiết kiệm phù hợp với yêu cầu cây trồng.Vùng hiện đang gặp khó khăn nước tưới hoặc đang có nguy cơ thiếu nước ở thời điểm lúa đang đẻ nhánh cần tập trung mọi nguồn lực để chống hạn cứu lúa, tăng cường đào thêm ao hoặc khoan thêm giếng, tìm nguồn nước để chống hạn.

Đối với diện tích bị hạn không có nước hiện đang dừng sản xuất, chủ động cày ải phơi ruộng, chờ mưa chuyển sang gieo sạ vụ Mùa. Những vùng đất hoàn toàn không có khả năng tưới hoặc không có nguồn nước chống hạn nên rà soát chuyển đổi sang cây trồng cạn như cây sắn, đậu các loại, vừng..., hoặc phải ngừng sản xuất để hạn chế thiệt hại.

Những vùng thường xuyên bị hạn, không đủ nước tưới dưỡng cho lúa qua các năm, đặc biệt với điều kiện hạn như năm nay phải dừng sản xuất cần rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sản xuất để chuyển đổi sang cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần tiết kiệm nước tưới cho các vùng khác.

Hỗ trợ các tỉnh hạn hán

Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động hỗ trợ các tỉnh bị hạn hán, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các địa phương bị thiệt hại tổng hợp tình hình, trong đó có thiệt hại từ nguồn vốn vay ngân hàng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kịp thời, chủ động hỗ trợ, rà soát khoản vay, cơ cấu thời hạn, xem xét miễn, giảm lãi vay, cho vay mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn hán nghiêm trọng và kéo dài: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO