Hàn Quốc bất ngờ đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên

17/07/2017 19:10

Hàn Quốc trong hôm 17/7 cho hay họ đã đưa ra lời đề nghị chính thức với phía CHDCND Triều Tiên để tổ chức một cuộc đối thoại quân sự hiếm thấy, với mục đích giảm thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi đầu tháng.

Binh sỹ Hàn Quốc đứng gác tại làng hòa bình Panmunjom nằm giữa hai nước. (Nguồn: Getty).

Lời đề nghị được đưa ra trong hôm đầu tuần, lời đề nghị đầu tiên kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, xuất hiện trong lúc mà tổ chức Chữ Thập Đỏ trụ sở tại thủ đô Seoul cũng đề xuất một cuộc họp riêng rẽ nhằm thảo luận về việc tổ chức chương trình đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến liên Triều 1950-1953.

Phía Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đề xuất một cuộc họp tổ chức vào thứ Sáu tới tại ngôi làng hòa bình Panmunjom nằm giữa biên giới hai nước, trong khi tổ chức Chữ Thập Đỏ đề nghị tổ chức hội đàm vào ngày 1/8 tới ở cùng địa điểm.

Nếu cuộc họp giữa hai bên tiến triển, đây sẽ là cuộc đối thoại liên Triều lần đầu tiên diễn ra kể từ tháng 12/2015 đến nay. Người tiền nhiệm của ông Moon, bà Park Geun-hye, từng từ chối nối lại các vòng đối thoại với chính quyền Bình Nhưỡng trừ khi họ phải đưa ra cam kết giải giáp hạt nhân trước.

“Chúng tôi đã đưa ra đề xuất tổ chức một cuộc họp, với mục đích ngăn chặn tất cả các hoạt động thù địch đã khiến căng thẳng quân sự gia tăng ở khu vực biên giới đất liền” - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần.

Tổ chức Chữ Thập Đỏ cũng cho hay, họ hy vọng sẽ nhận được lời đáp trả tích cực từ phía chính quyền Bình Nhưỡng để có thể tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình ly tán vào đầu tháng 10 tới, sự kiện đoàn tụ đầu tiên trong vòng 2 năm qua.

Hàng triệu gia đình đã bị ly tán bởi cuộc chiến đã chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền Nam, Bắc. Nhiều người đã qua đời vì lớn tuổi mà vẫn không có cơ hội được gặp lại hoặc nghe tin tức từ gia đình họ ở phía bên kia biên giới, trong khi tất cả các mối liên lạc dân sự đều bị cấm.

Hiện nay ở Hàn Quốc còn khoảng 60.000 thành viên các gia đình ly tán sinh sống.

“Triều Tiên nên đưa ra câu trả lời đối với các đề xuất khẩn thiết của chúng tôi nếu họ thực sự tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” - ông Cho Myoung-gyon, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói.

Ông Cho nhấn mạnh rằng chính quyền Seoul “sẽ không tìm cách đánh đổ Triều Tiên hay thực hiện chương trình đoàn tụ thông qua nguồn vốn của Triều Tiên”, đồng thời thúc giục chính quyền Bình Nhưỡng phục hồi lại các kênh liên lạc giữa hai nước, trong đó gồm một đường dây nóng giữa quân đội hai bên.

Tổng thống Moon Jae-in, người bắt đầu nắm quyền lực hồi tháng 5 vừa qua, đã từng công khai ủng hộ chính sách vừa đối thoại vừa gây sức ép đối với Triều Tiên, nhằm đưa nước này trở lại với bàn đàm phán về hạt nhân, và tuyên bố sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Bình Nhưỡng đã liên tiếp thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, mà gần đây nhất là vào ngày 4/7 - trùng ngày Quốc khánh Mỹ - khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), làm dấy lên làn sóng phản ứng trên toàn cầu. Động thái trên cũng khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc hơn đối với Bình Nhưỡng.

Chính quyền Washington cũng kêu gọi Trung Quốc gây thêm sức ép đối với Bình Nhưỡng để ngăn chặn tham vọng hạt nhân hiện đang ngày càng đạt nhiều bước tiến hơn so với trước kia.

Vụ thử nghiệm tên lửa gần đây nhất - trong đó lãnh đạo Kim Jong-un mô tả là một “món quà” gửi người Mỹ - được xem là một cột mốc mới trong chương trình chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.

Các cuộc họp được đề xuất, nếu được phía Triều Tiên chấp nhận, sẽ là “một cơ hội hiếm có để giảm thang căng thẳng vốn đã gia tăng liên tiếp trong 10 năm nay”, Cheong Seong-chang, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc, nhận định. “Ít nhất nó sẽ giúp giảm tình trạng căng thẳng đôi chút trong cuộc khủng hoảng này, dù Triều Tiên vẫn khẳng định rằng họ sẽ không từ bỏ các chương trình vũ khí”, ông Cheong nói.

Chương trình nghị sự của cuộc họp này có thể bao gồm đề xuất ngừng các chiến dịch tuyên truyền mà hai bên đã và đang thực hiện ở khu vực biên giới trong suốt nhiều năm nay. Quân đội Hàn Quốc đã chế tạo hàng chục dàn loa cỡ lớn đặt ở biên giới để hàng ngày phát đi tin tức thế giới, các bài hát hiện đại cùng nhiều chương trình tuyên truyền khác.

Chính quyền Seoul cũng thỉnh thoảng thả nhiều bóng bay cỡ lớn sang bên kia biên giới, bên trong có nhiều rải truyền đơn tuyên truyền, bất chấp sự phản đối từ Triều Tiên. Ngược lại, Triều Tiên cũng đáp trả bằng các chương trình phát sóng tuyên truyền và thả rải truyền đơn bằng các quả bóng bay cỡ lớn khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàn Quốc bất ngờ đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO