Hàng chục nghìn lao động nữ bị giảm 10% lương hưu

Lê Bảo 02/11/2017 09:50

Theo quy định, từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (thay vì đóng 25 năm như hiện nay).

Quy định này đang vấp phải rất nhiều bức xúc từ dư luận, bởi tính như thế thì lao động nữ thiệt đơn thiệt kép. Vậy nên thời gian gần đây không ít trường hợp đã phải “chạy” để được về hưu sớm trước khi quy định này có hiệu lực.

Người lao động lo lắng về lương hưu giảm sút.

Chỉ khoảng 2 tháng nữa, từ 1/1/2018, quy định trong Luật BHXH về giảm tỷ lệ lương hưu của nữ có 16 năm đóng BHXH từ 3% xuống 2% chính thức có hiệu lực. Quy định này không mới, song cũng khiến không ít lao động nữ sốc vì chỉ sau một ngày mất 10% lương hưu.

Làm việc nhiều, lương hưu giảm

Theo quy định, từ 1/1//2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (thay vì đóng 25 năm như hiện nay). Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm (lộ trình tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%).

Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay). Như vậy, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động phải đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay.

Dù đã biết quy định này từ lâu nhưng đến giờ bà Nguyễn Thị Hiền (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) vẫn không khỏi sốc. “Năm nay tôi 53 tuổi, đã đóng BHXH được 28 năm.

Giả sử tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì ngoài việc được hưởng mức tối đa là 75% cho 25 năm đóng BHXH, tôi còn nhận được khoản trợ cấp một lần cho 3 năm đóng dư còn lại.

Thế nhưng, từ tháng 1/2018, tôi không những chẳng có khoản trợ cấp nào mà phải đóng BHXH thêm 2 năm để được hưởng mức lương hưu tối đa.

Càng làm việc, càng đóng BHXH thì lương hưu càng thấp đi. Điều này hết sức vô lý và bất công”- bà Nguyễn Thị Hiền bức xúc nói.

Tương tự, để không bị thiệt, bà Nguyễn Diệu Linh đã chọn giải pháp về hưu sớm để không bị chính sách lương hưu mới chính thức có hiệu lực.

Trên thực tế, cơ quan BHXH cũng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng “chạy” thủ tục để được về hưu trước.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công thức tính lương hưu của lao động nữ chưa hợp lý.

Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH.

Cần có một lộ trình tăng dần

Mặc dù thừa nhận việc thay đổi cách tính lương hưu áp dụng từ ngày 1/1/2018 là một bước để hướng tới mục tiêu cải thiện tình hình tài chính Quỹ BHXH bền vững, an toàn hơn, nhưng bà Đinh Thu Hiền- phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam thừa nhận thời gian qua đơn vị đã nhận được khá nhiều tâm tư của lao động nữ, nhất là những trường hợp nghỉ hưu vào thời điểm giáp ranh giữa năm 2017 và 2018 nên có một số lao động nữ đang phân vân việc có nhận BHXH một lần hay không.

“Những ý kiến phản ánh của người lao động, chúng tôi cũng đã phản ánh đến Bộ LĐTBXH. Chắc chắn chúng tôi và các cơ quan chức năng khác trong thời gian tới sẽ phối hợp để có đề xuất phù hợp. Ví dụ, cần có lộ trình phù hợp như lao động nam để lao động nữ đỡ bị sốc khi chính sách thay đổi đột ngột”- bà Hiền nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện về lương hưu của lao động nữ, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn thẳng thắn: “Cần xem xét tại sao lao động nam có lộ trình nhưng nữ lại không...

Bên cạnh đó, phải có một cơ quan nào đó đặt vấn đề này lên Chính phủ, Quốc hội mới điều chỉnh sửa luật được. Vấn đề này đã đặt ra từ tháng 2 và 3/2017, nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tôi đã nói rất nhiều lần và hiện vẫn chưa có tín hiệu tích cực, nên đến giờ chúng ta chuẩn bị tinh thần để chịu những chỉ trích của người lao động.

Là người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo Luật BHXH năm 2014, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân thừa nhận, việc thực hiện theo phương án ngày 1/1/2018 tới đây chắc chắn sẽ gây sốc.

Đây là thực tế trong quá trình xây dựng Luật BHXH 2014 ai cũng nhận ra và Bộ LĐTB&XH đã trình phương án giãn lộ trình thay đổi cách tính lương hưu cho cả nam và nữ theo hướng giảm từ từ. Tuy nhiên, phương án giãn lộ trình cho nữ đã không được lựa chọn.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cần giãn lộ trình thực hiện để giảm “sốc”

Thay đổi chính sách bao giờ cũng có tác động cả ngược chiều và thuận chiều. Do đó, cần phải nghiên cứu để lựa chọn một phương án tối ưu, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chung và bảo đảm quyền lợi vừa trước mắt, cũng như lâu dài của số đông người lao động và bảo đảm an toàn, cân bằng quỹ.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội cho giãn lộ trình thực hiện để giảm “sốc” tác động của một số người bị giảm sút lương hưu như lộ trình của lao động nam, điều này ảnh hưởng không lớn đến quỹ BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thấy cơ quan nào đề nghị với Bộ LĐTBXH nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5 - 10%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng chục nghìn lao động nữ bị giảm 10% lương hưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO