Hàng không Việt: Những sự cố đáng chú ý năm 2018

Theo Giaoducvietnam 27/12/2018 14:58

Với 4 hãng hàng không đang hoạt động ngành hàng không Việt Nam năm 2018 đã ghi nhận một số sự việc đáng nhớ…

Hàng không Việt: Những sự cố đáng chú ý năm 2018

Hàng không Việt có nhiều sự cố đáng chú ý trong năm 2018.

Việt Nam là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á, nơi ngành hàng không được đánh giá năng động hàng đầu thế giới.

Hàng không Việt Nam cũng được đánh giá cao với các công tác quản lý khi gần 20 năm không để xảy ra tai nạn, được các cơ quan hàng không quốc tế, đặc biệt là các tổ chức uy tín của châu Âu và Mỹ phê chuẩn về năng lực quản lý ngành, đủ tiêu chuẩn khai thác các chuyến bay tới các thị trường khó tính này.

Sự phát triển của ngành hàng không đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây.

Số liệu của tổng cục thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, ngành hàng không Việt Nam đã vận chuyển 37,9 triệu lượt khách, tăng 13%. Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không 9 tháng đạt 265,8 nghìn tấn, tăng 18,6%.

Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 75 triệu lượt khách/năm. Với 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways vừa được cấp phép, ngành hàng không Việt Nam năm 2018 đã ghi nhận một số sự việc đáng nhớ…

1. Người tâm thần “đột nhập” sân bay Vinh (Nghệ An)

Tháng 3/2018, một nam thanh niên bị bệnh tâm thần đã đột nhập vào sân bay Vinh rồi đi lên máy bay Vietnam Airlines đang chuẩn bị cất cánh ở sân bay này.

Vị trí thanh niên này đột nhập vào sân đỗ là khu vực tường rào cổng đón khách VIP, sát nhà trông giữ xe hành khách, có hàng rào cao 2,45 m.

Sau khi đột nhập vào sân bay Vinh khoảng 12h ngày 3/3, nam thanh niên này đã lên tàu bay của Vietnam Airlines – chuyến bay mang số hiệu VN1265, đi lại trong máy bay.

Tiếp viên trưởng phát hiện người này không có thẻ lên máy bay nên đã phối hợp với nhân viên kiểm soát an ninh áp giải người này xuống khỏi tàu bay.

Sự việc mặc dù không gây thiệt hại nhưng cho thấy nguy cơ mất kiểm soát an toàn an ninh hàng không tại khu vực sân bay này.

2. Máy bay của hai hãng hàng không hạ cánh nhầm đường băng

Ngày 29/4, chuyến bay VN7344 của Vietnam Airlines, chở 203 hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cam Ranh (Khánh Hòa) đã đáp xuống đường cất hạ cánh số 02 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Đường cất hạ cánh số 02 chưa được đưa vào khai thác.

Tất cả hành khách an toàn, không ai gặp vấn đề về sức khỏe khi tàu bay hạ cánh.

Sự cố được xác định ở mức độ nghiêm trọng nhóm B, chỉ xếp sau nhóm A – tai nạn. Kết quả điều tra cho thấy lỗi thuộc về tổ bay khi hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định.

Người điều khiển tàu bay hạ cánh là cơ phó người Việt Nam, cơ trưởng người Mỹ thực hiện nhiệm vụ quan sát và cảnh báo.

Việc không có biển báo rõ ràng đường băng hiện hữu khai thác và đường băng không khai thác cũng được cho là nguyên nhân gây ra sự cố.

Ngày 25/12, chuyến bay VJ689 khởi hành từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đi Thành phố Hồ Chí Minh lúc 11h14 sau khi cất cánh ít phút, phát hiện cảnh báo kỹ thuật, tổ bay đã cho tàu bay quay lại sân bay.

Trong quá trình tiếp cận sau khi nhận huấn lệnh hạ đường băng 02 cũ đã đáp xuống đường băng 02 mới đang chuẩn bị đưa vào khai thác. Hành khách an toàn xuống nhà ga và được bố trí bay chuyến kế tiếp theo trong ngày.

Đây là hãng hàng không thứ hai ở Việt Nam gặp tình huống phi công đáp nhầm xuống đường băng mới 02 này.

3. Máy bay nổ bánh khi hạ cánh tại sân bay Vinh (Nghệ An)

Ngày 16/7, máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines đã nổ 1 lốp phía trước khi hạ cánh xuống đường băng tại Cảng Hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An).

Sự cố khiến sân bay này phải đóng cửa trong 11 giờ đồng hồ, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác tại đây.

Chuyến bay gặp sự cố mang số hiệu VN1266, thực hiện hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Vinh (Nghệ An) đã gặp trục trặc kỹ thuật, bị nổ 1 lốp bên phải ở càng trước khi đáp xuống đường băng.

Nguyên nhân của sự cố được cho là do điều kiện thời tiết xấu, tàu bay đã hạ cánh trượt ngoài đường băng va vào đèn hạ cánh và bị nổ lốp trước.

Càng tàu bay cũng bị ảnh hưởng nhẹ. Cánh tà, cửa gió động cơ bị rách, nguyên nhân có thể do mảnh đèn vỡ văng vào.

Sự cố này được xếp vào nhóm C, mức độ nghiêm trọng cần phải điều tra.

4. Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh lệch vị trí tại sân bay quốc tế Nội Bài

Ngày 28/7, máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines đã hạ cánh lệch vị trí quy định tại sân bay Nội Bài trong điều kiện thời tiết xấu. Bụng và càng máy bay có nhiều vét cày xước mạnh và hư hỏng nhẹ.

Sự cố xảy ra trên chuyến bay VN1544 từ Huế đi Hà Nội.

5. Máy bay gặp sự cố khi hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột

Ngày 29/11, chuyến bay VJ356 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố. Hai bánh trước của máy bay đã bị sự cố trong quá trình hạ cánh. Tàu bay sau đó đã dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột.

Tổ bay đã triển khai quy trình khẩn nguy, thoát hiểm theo quy trình, 207 hành khách đã thoát hiểm an toàn.

Chuyến bay VJ356 được thực hiện bởi tàu bay A321 số đăng ký quốc tịch VNA653 được đưa vào khai thác thương mại từ 15/11/2018.

6. Nhân viên hàng không liên tiếp bị hành hung

Trong năm 2018, các sự việc nhân viên hàng không bị hành hung đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về cách hành xử của nhiều khách hàng khi di chuyển bằng phương tiện hàng không.

Ngày 6/1, một nam hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đã quát mắng, xông vào nữ nhân viên ở sân bay vì cho rằng bị “bắt xếp hàng” nên đã làm thủ tục check-in muộn.

Ngày 17/7, một nhân viên của Jetstar trên chuyến bay BL529 chặng Vinh – Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị một nam hành khách đánh vào đầu.

Ngày 23/11, tại ga đi sân bay Thọ Xuân, ba đối tượng đã xô vào đánh, tát, đạp nhân viên hàng không khi người này từ chối chụp ảnh chung.

Sau một số sự cố trong quá trình khai thác của các hãng hàng không Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ đạo yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động.

Chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ được chờ đợi sẽ mang tới những chuyển biến tích cực cho ngành hàng không Việt Nam trong năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng không Việt: Những sự cố đáng chú ý năm 2018

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO