Hàng loạt các phương án sản xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

An Chi 20/08/2021 15:35

Mới đây, Sở Công Thương TP HCM đã đưa ra 6 phương án hỗ trợ doanh nghiệp về sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, sau một thời gian áp dụng mô hình “3 tại chỗ” tại nhiều doanh nghiệp ở TP HCM và một số tỉnh/thành khu vực phía Nam, người lao động đang gặp các vấn đề về tâm lý khi ở tập trung trong nhà xưởng lâu. Bên cạnh đó, chi phí để vận hành mô hình nói trên ở mức cao nên một số doanh nghiệp đã xin dừng hoạt động hoặc đưa ra kiến nghị về các mô hình sản xuất thay thế.

Doanh nghiệp cần lựa chọn phương án hỗ trợ sản xuất an toàn phù hợp với điều kiện của đơn vị.

Theo Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ ngày 15/8-15/9 của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Sở Công Thương TP HCM đã đưa ra 6 phương án hỗ trợ doanh nghiệp về sản xuất an toàn, yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn theo 1 trong 6 phương án phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể:

Phương án 1, tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”: Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).

Theo đánh giá, đây là phương án có khả năng lây nhiễm thấp nhất, mức độ rủi ro thấp nhất, phù hợp với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số lượng người lao động không quá đông, có thể bố trí được mặt bằng để phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhiều chi phí và các giải pháp bổ trợ về tinh thần để phụ cấp bù đắp cho người lao động, giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống trong điều kiện sinh hoạt khó khăn.

Phương án 2, thực hiện “3 tại chỗ theo kíp”: Cũng giống như phương án 1, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ, tuy nhiên, thay bằng cách ly toàn bộ người lao động thì sẽ chỉ cách ly người lao động theo kíp sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bố trí tối đa 50% người lao động, chia làm ít nhất 2 kíp sản xuất luân phiên, người lao động làm việc sau một số ngày nhất định thì sẽ được nghỉ và được thay bằng kíp làm việc tiếp theo. Kíp làm việc phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính trước khi tham gia sản xuất và trước khi trở về nơi lưu trú.

Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro trung bình, giúp doanh nghiệp giảm phụ cấp bù đắp cho người lao động từ việc thực hiện “3 tại chỗ”.

Phương án 3, “1 cung đường - 2 địa điểm”: Nguyên tắc của phương án là chỉ duy nhất một cung đường nối hai địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung.

Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro trung bình. Khi thực hiện phương án này, DN tiết kiệm được chi phí, thời gian cho việc tổ chức “3 tại chỗ”.

Phương án 4, “1 cung đường - 2 địa điểm mở rộng”: Theo phương án này, doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ các nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc. Do vậy, cần tổ chức đưa đón người lao động từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc và ngược lại theo lộ trình xác định.

Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro trung bình. Khi thực hiện phương án này, doanh nghiệp cũng giảm phụ cấp bù đắp cho người lao động do phải sản xuất “3 tại chỗ”; người lao động được về nơi lưu trú nghỉ ngơi sau thời gian lao động sẽ có sức khỏe, tâm lý tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.

Phương án 5, tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”: Cụ thể, “4 xanh” trong phương án gồm nhân lực xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh, cung đường xanh.

Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro khá cao. Mặc dù phương án này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian cho việc tổ chức “3 tại chỗ”, đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì được tâm lý của lực lượng lao động, tuy nhiên, doanh nghiệp cần có giải pháp để kiểm soát người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch sau khi về nơi lưu trú; cũng như kiểm soát và duy trì thực hiện phương án “4 xanh”.

Phương án 6, “kết hợp”: Theo đó, doanh nghiệp có thể linh hoạt, tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp của các phương án trên. Trong quá trình thực hiện, các DN cần huy động nhiều nguồn nhân lực để phục vụ sản xuất và phải kiểm soát tốt sự tách biệt giữa các bộ phận, việc lưu thông của người lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng loạt các phương án sản xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO