Hàng nghìn hộ dân hiến đất làm đường

Trần Duy Hưng 08/09/2016 09:10

Trong khi nhiều nơi các dự án ách tắc vì vướng việc giải phóng mặt bằng, thì tại Nam Định hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện hiến đất thổ cư để làm đường tỉnh lộ, quốc lộ.

Tuyến đường được người dân hiến đất mở rộng. (Ảnh: Duy Hưng).

Dân tự nguyện hiến đất

Cách nay vài năm, về làng Thành An, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng-Nam Định), chúng tôi ngạc nhiên khi biết nhiều hộ dân ở đây vừa tự nguyện hiến, góp đất thổ cư cho làng để mở rộng, nâng cấp hệ thống đường đến ngõ xóm. Ở thời điểm đó, làng Thành An được xem là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh về phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau Thành An, việc người dân hiến, góp đất cho làng, cho xã, xứ đạo phục vụ việc mở rộng, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng khác nhanh chóng được tỉnh nhân rộng, trở thành một phong trào, xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định.

Có những hộ như gia đình ông Vũ Ngọc Lân ở giáo xứ Kiên Chính, xã Hải Chính (Hải Hậu) đã sẵn sàng hiến đến 200m2 đất thổ cư, không nhận, dù chỉ một đồng tiền đền bù để phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch NTM của xã. Báo cáo tổng kết 5 năm (2011-2015) xây dựng NTM của tỉnh Nam Định cho biết, triển khai Chương trình, người dân trong tỉnh đã hiến, góp tổng cộng 3.158 ha đất để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và làm đường giao thông nông thôn. Trong đó có 2.916 ha đất nông nghiệp; 242 ha đất thổ cư, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh mở rộng, nâng cấp, làm mới được 5.661 km đường giao thông nông thôn.

Theo ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nam Định, việc người dân hiến, góp cho cộng đồng một diện tích lớn đất kể trên đã giúp các địa phương trong tỉnh tiết kiệm được gần 9 tỷ đồng khi triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để Nam Định sớm nằm trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng NTM, với 112 xã (chiếm 54% tổng số xã) và một huyện là Hải Hậu đã đạt chuẩn xã, huyện NTM...

Bên cạnh kết quả phát triển hạ tầng nông thôn, mấy năm gần đây, tỉnh Nam Định ghi dấu ấn bằng việc hoàn thiện mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường huyện lộ, tỉnh lộ và cả quốc lộ qua địa bàn, giúp hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh trở nên đồng bộ, kết nối cao với các tỉnh lân cận, thủ đô Hà Nội và cả nước. Trong đó, phải kể đến Dự án cải tạo Quốc lộ 37B (trước kia là tỉnh lộ 486B), dài 59 km, kinh phí xây dựng 867 tỷ đồng, nối từ Thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản) đến Thị trấn Ngô Đồng (huyện Giao Thủy); dự án quốc lộ 38B, đoạn từ TP.Nam Định đến trung tâm huyện Ý Yên, dài 21,5km, tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 488C-tuyến đường có chức năng phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh-quốc phòng của tỉnh, dài 23,3km qua địa bàn huyện Hải Hậu, kết nối với quốc lộ 21, tổng mức đầu tư 329,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có Dự án mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 488, đoạn từ Quốc lộ 21 đến Quốc lộ 37B và tỉnh lộ 488C, qua địa bàn các huyện Nam Trực, Trực Ninh, dài 21km...đang được triển khi thi công...

Điểm chung của các dự án trên là việc giải phóng mặt bằng được tỉnh thực hiện theo phương châm, cơ chế xây dựng NTM, nghĩa là thay bằng thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, tỉnh thực hiện vận động các hộ dân ở hai bên đường có đất đai thuộc diện giải phóng hiến góp cho dự án. Theo thống kê của Sở GT-VT tỉnh, ở Dự án cải tạo Quốc lộ 37B, có 5.264 hộ dân và một số cơ quan ở 6 huyện, 30 xã, thị trấn-nơi dự án đi qua-đã thực hiện hiến, góp tổng diện tích 258.000m2 phục vụ việc mở rộng đường, không nhận tiền đền bù; giúp dự án giảm chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Ở dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38B, 1.600 hộ dân ở 16 xã, phường, thị trấn của TP Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên đã thực hiện tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến đất. Ở dự án nâng cấp tỉnh lộ 488C (đường phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn), 2.177 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện góp, hiến 70.000m2, tháo dỡ 1.350m2 vật kiến trúc, lều lán, công trình cùng cây cối, hoa màu. Tương tự như vậy, ở dự án tỉnh lộ 488 đang thi công, phương châm làm tỉnh lộ theo cách làm nông thôn mới cũng đang được áp dụng, nhận được sự đồng tình của nhiều hộ dân liên quan...

Tỉnh lộ 488B đang được thi công-một trong nhiều dự án đường huyện lộ,
tỉnh lộ, quốc lộ được người dân hiến đất mở rộng ở Nam Định.

“Cách làm của nhà nghèo”

Khi biết dự án không thực hiện việc đền bù, phản ứng đầu tiên của nhiều người dân là không đồng tình. Khi đó, MTTQ, các đoàn thể ở xã phải kiên trì phối hợp tuyên truyền, phổ biến phương châm, cơ chế thực hiện dự án tới người dân. Rất nhiều cuộc họp được tổ chức. Được họp bàn, thông tin đầy đủ dần dần ai cũng hiểu ra...

“Nhân dân góp đất, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường là nét mới trong xây dựng hạ tầng giao thông ở Nam Định”. Câu nói đúc kết này được nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn nhắc lại nhiều lần tại nhiều diễn đàn của tỉnh khi đương nhiệm. Đây là cách làm được cho là phù hợp của một tỉnh còn nghèo như Nam Định. Cụ thể, những năm gần đây, số thu ngân sách của tỉnh chỉ quanh con số 3.000 tỷ đồng/năm, gần 70% nhu cầu chi của tỉnh vẫn phải nhờ vào nguồn điều tiết của ngân sách Trung ương.

Trong điều kiện như vậy, Nam Định rất khó chủ động trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Động đến việc là phải “đi xin” kinh phí, mà đã “đi xin” thì thường lâm cảnh “được chăng hay chớ”. Trên thực tế, những dự án được Trung ương, các bộ ngành hay nhà tài trợ cấp kinh phí đầu tư thường rất hạn hẹp, dùng chi trả đền bù giải phóng mặt bằng thì không còn tiền đầu tư cho công trình và ngược lại. Trong bối cảnh ấy, thật dễ lý giải vì sao Nam Định chọn giải pháp vận động nhân dân chung tay, góp sức bằng việc tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất để làm các công trình giao thông, không phải chỉ có đường giao thông thôn, xóm mà áp dụng cho cả các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Giao, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Nam Định, nói thì như vậy nhưng quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. “Pháp luật hiện hành là đất đai được chính quyền lấy ra để làm các công trình hạ tầng công cộng thì phải được thực hiện theo quy trình thu hồi, đền bù. Câu hỏi đầu tiên của người dân thuộc vùng dự án là khi đất của mình bị thu hồi thì sẽ được đền bù bao nhiêu tiền? Nay cán bộ đến nhà thông báo không có tiền đền bù thì rất khó nhận được sự đồng tình của người dân”- ông Giao phân tích.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải ở địa phương nào, ở dự án nào người dân cũng vui vẻ hiến, trả, góp đất. Đây là tâm lý rất dễ hiểu, đơn giản đất đai là tài sản quý, ở nhiều nơi, ở nhiều dự án khác, nhờ được đền bù thu hồi đất, nhiều người được cầm tay cả tỷ bạc, do vậy người dân không khỏi có ý kiến thắc mắc, so bì. Liên quan đến việc này, ở huyện Hải Hậu từng có việc người dân kiện cả Chủ tịch UBND huyện ra tòa...

Vẫn theo ông Giao, gặp những “điểm nóng” như vậy cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ và các thành viên, nhất là ở cấp cơ sở phải vào cuộc để làm công tác tuyên truyền, vận động, giải thích. Có những nơi đích thân lãnh đạo chủ chốt của tỉnh phải có mặt để cùng tuyên truyền, vận động. “Với vai trò của mình, khi ấy Mặt trận cơ sở đã phải rất kiên trì trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích; phát huy vai trò gương mẫu của gia đình các cán bộ, đảng viên; tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín trong công đồng, chức sắc các tôn giáo...” - ông kể.

Minh chứng thêm lời Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, ông Trần Đức Hiệt, từng là Chủ tịch UB MTTQ xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) kể: khi Dự án mở rộng, nâng cấp huyện lộ Giây Nhất (dài hơn 10 km) qua địa bàn xã được triển khai, các hộ dân hai bên đường ai cũng khấp khởi sẽ được đền bù. Khi biết Dự án không thực hiện việc đền bù, phản ứng đầu tiên của nhiều người dân là không đồng tình. “Khi đó, MTTQ, các đoàn thể ở xã phải kiên trì phối hợp tuyên truyền, phổ biến phương châm, cơ chế thực hiện dự án tới người dân. Rất nhiều cuộc họp được tổ chức. Được họp bàn, thông tin đầy đủ dần dần ai cũng nhận thấy tuy không được nhận tiền đền bù nhưng khi đường được mở rộng, nâng cấp sẽ thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, mở ra cho người dân địa phương nhiều cơ hội, hướng làm ăn mới, hiệu quả, đó là chưa kể giá đất ở mặt đường cũng sẽ tăng lên.

Từ chỗ phản đối hoặc do dự, 70 hộ phải giải tỏa đã đồng thuận hiến gần 1.500m2 đất. Có người như ông Thành (xóm 7, Đồng Lạc) không chỉ hiến đất mà còn tự nguyện dỡ hẳn chiếc mái hiên vừa đầu tư xây dựng hết 26 triệu đồng. Để nêu gương, mấy anh em trong gia đình tôi cũng đã hiến tổng cộng 250m2 đất mặt đường” - ông Hiệt nhớ lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng nghìn hộ dân hiến đất làm đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO