Hàng nghìn hộ dân lao đao vì thiếu nước

Đình Minh 22/07/2021 06:55

Nước sông Chu lên, dân có nước, nước sông Chu cạn, dân hết nước. Đó là thực trạng đang diễn ra đối với gần 1.500 hộ dân thuộc 5 xã của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ở nơi đây, người dân buộc phải sống lệ thuộc vào sự “đỏng đảnh” của dòng sông Chu, mặc cho nguyên nhân mực nước lên xuống thất thường có đến từ yếu tố khách quan hay chủ quan đi chăng nữa.

Suốt 2 năm qua, giếng đào gia đình anh Ngô Văn Dũng và gia đình em trai nước liên tục bị tụt đến mức báo động.

Khoan sâu 60 m vẫn chưa thấy nước

Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 6/2021, tại 5 xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 1.477 hộ dân ở trong và ngoài đê sông Chu xảy ra tình trạng mất nước hoặc thiếu nước mà chưa rõ nguyên nhân. Cụ thể, tại xã Phú Xuân có 680 hộ, xã Thọ Hải có 449 hộ, xã Xuân Hòa có 213 hộ, xã Xuân Thiên có 92 hộ và xã Thọ Diên có 43 hộ. Được biết, tại các xã dọc bên bờ sông Chu này đều chưa có nhà máy nước sạch, người dân chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm bằng giếng đào và giếng khoan để lấy nước sinh hoạt.

Những năm gần đây, khi nước sông Chu lên cao thì giếng đào và giếng khoan đầy nước, còn khi mực nước sông xuống thấp thì nước lại tụt, hoặc thậm chí cạn trơ đáy. Nhìn vào cái giếng sâu hơn 50m mới thấy nước, anh Ngô Văn Dũng (55 tuổi, trú thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải, là hộ dân nằm cách bờ sông Chu 100m) thở dài: “Cái giếng này phục vụ cả gia đình tôi và gia đình em trai. Từ đầu năm 2020 đến nay, mực nước trong giếng bị tụt gần 10m, bởi vậy nên tôi và em trai vừa phải nạo vét, đưa thêm 2 chiếc ống cống xuống để trát lại phần mới đào bên dưới đáy”.

Khảo sát tại nhiều hộ dân ở thôn Hải Mậu, nhận thấy một thực trạng chung là dù có lấy được nước thì chất lượng nước múc lên cũng vô cùng tệ, bị nhiễm phèn nặng. Theo hơn 20 hộ dân tại đây, nước từ giếng khoan, giếng đào mà họ múc lên để dùng và sinh hoạt thường xuyên có màu vàng, khi bơm lên bể thì khoảng 1 tuần sẽ đổi thành màu nâu. Dù đã cho cát lên bể để lọc, nhưng chỉ sau vài tuần, cát từ màu vàng sẽ trở thành màu nâu đỏ, cùng với xỉ tro màu nâu được rỉ ra.

Dù là địa phương có nhiều hộ dân sống ven sông Chu, nhưng xã Phú Xuân có tới hơn 600 hộ bị mất nước và thiếu nước. Tại nhà anh Trịnh Tuấn Cường (45 tuổi, trú thôn Thọ Phú), chúng tôi được chứng kiến cảnh anh này đang khoan cái giếng thứ 3 để lấy nước sinh hoạt, sau khi 2 cái giếng khoan cũ ở độ sâu hơn 30m nhưng bị cạn nước.

“Cái giếng tôi đang khoan sâu gần 60 m rồi mà vẫn chưa thấy nước. Nhà tôi trước có 2 cái giếng khoan sâu hơn 30m, nhưng 2 năm trở lại đây mạch nước lên xuống thất thường, không đủ dùng trong mấy tháng nắng hạn, nên tôi buộc phải khoan thêm giếng mới”, anh Cường chia sẻ.

Dù khoan cái giếng thứ 3 sâu hơn 60 m nhưng anh Trịnh Tuấn Cường vẫn chưa tìm thấy nguồn nước,

Chưa thể khắc phục

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân xác nhận: Tình trạng hơn 600 hộ dân thiếu nước dùng và sinh hoạt do nước giếng khoan bị sụt giảm bất thường. Theo ông Nam, tình trạng này diễn ra ở các thôn Đông Thành, Phú Cường, Thọ Phú, thôn 5, thôn 6.

Ông Nam nói: “Cũng chưa rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng tụt nước bất thường của người dân là gì, nhưng mỗi khi sông Chu bị cạn, nước ở ngoài và trong đê cũng bị tụt theo. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ giải pháp khắc phục từ các cơ quan chuyên môn”.

Về việc này, ông Lê Ngọc Quân, Trưởng Phòng TNMT huyện Thọ Xuân cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành chuyên môn khảo sát việc các giếng khoan bị mất nước, hướng dẫn các hộ khoan lại giếng để bảo đảm nước sinh hoạt. Một số hộ khi khoan sâu từ 10-15m rồi đến 30-50m thì có nước nhưng nhiều hộ khoan sâu thêm vẫn không có nước.

Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa, 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể kể đến là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nền nhiệt độ tăng so với trung bình nhiều năm, thời tiết nắng nóng kéo dài trong những năm qua, dẫn đến tình trạng khô hạn, lượng mưa trung bình năm thấp, kéo theo nguồn nước tại các sông lớn có phần suy giảm.

Hệ thống các công trình thủy điện trên sông Chu (gồm 4 công trình: Dốc Cáy, Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng) đi vào vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nước tại khu vực hạ du bị hạ thấp.

Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng mất nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở TNMT phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân và các đơn vị chức năng của Bộ TNMT hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật trong việc xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nước tại 5 xã thuộc huyện Thọ Xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng nghìn hộ dân lao đao vì thiếu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO