Hàng Việt cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại

Minh Phương 27/04/2017 08:35

Hàng Việt sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi làn sóng hội nhập đang tràn vào ngày càng mạnh mẽ. Làm sao để giữ vững thị phần và nâng sức cạnh tranh, vấn đề này đã được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 26/4.

Hàng Việt cần có sự thay đổi, tăng cường tiếp cận người tiêu dùng
bằng nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh: TL).

Gần đây, thị trường bán lẻ chứng kiến ngày càng nhiều sự thâm nhập của các DN ngoại nhập có thương hiệu lớn. Và từ đó, cuộc chạy đua của các sản phẩm do các DN nội sản xuất với sản phẩm ngoại nhập cũng như hàng hóa mang thương hiệu nước ngoài sản xuất tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt. Không ít DN bán lẻ nội phải nhường lại sân chơi cho các nhà bán lẻ ngoại và ngậm ngùi chứng kiến những mặt hàng nội địa bị “rơi rụng” khỏi kệ hàng các siêu thị, thay vào đó là hàng hóa, sản phẩm gắn mác ngoại.

Làm sao để hàng Việt giữ được thị phần, chiếm lĩnh được vị trí tại các kênh phân phối hiện đại, không bị hàng ngoại “lấn sân”, đó là vấn đề được các nhà quản lý, giới chuyên gia kinh tế quan tâm hiện nay.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hàng hóa do các DN Việt sản xuất để vào được các kênh phân phối hiện đại sẽ gặp nhiều trở ngại như mức chiết khấu không cao. Trong khi đó, hàng có xuất xứ ngoại và hàng của nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến hàng có xuất xứ Việt khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm…

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu quan điểm, sở dĩ hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm khá khó khăn bởi kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam còn khá ít, chưa đạt 30%. Một nguyên nhận nữa là bởi, hàng hóa vào siêu thị cũng như các kênh bán lẻ hiện đại luôn đòi hỏi tiêu chuẩn cũng cao hơn chợ truyền thống. Trong khi đó, các DN Việt lại ít cập nhật yêu cầu của các hệ thống phân phối hiện đại nên hàng hóa dù tốt vẫn khó cạnh tranh.

Trước thực tế này, TS Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hàng Việt cần có sự thay đổi, tăng cường tiếp cận người tiêu dùng bằng nhiều hình thức khác nhau,… Đặc biệt, hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, do đó DN Việt cần hướng mục tiêu sản xuất nắm bắt tâm lý này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Dũng- Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho biết, là một nhà phân phối, Big C cũng đưa ra những quy chuẩn cụ thể đối với các sản phẩm khi vào hệ thống. Đặc biệt, DN này đề cao vấn đề chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. “Đây là rào cản kỹ thuật để đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng được tốt nhất. Đồng thời cũng là mục tiêu để các DN Việt hướng tới phát triển bền vững. Cũng chính từ những rào cản ban đầu này mà hơn 1000 DN Việt khi đã bước chân qua cửa của hệ thống Big C đều cảm thấy hài lòng và yên tâm khi ký gửi hàng hóa tại đây”- ông Dũng cho hay.

Ở vai trò của nhà quản lý, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho các nhà bán lẻ trong nước cũng đã được đưa ra. Trong đó, Đề án phát triển thị trường trong nước, kết nối cung cầu do Bộ Công thương chủ trì đang giúp cho các DN trong nước tăng cường sự hiện diện các sản phẩm sản xuất trong nước tại các hệ thống phân phối hiện đại. Hiện tại, hàng Việt có mặt tại các chuỗi siêu thị đã chiếm tỷ lệ cao (như BigC là 80%).

Mặc dù vậy, hầu hết ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm đều cho rằng, các DN trong nước muốn đưa sản phẩm lên kệ hàng của các siêu thị các kênh phân phối hiện đại không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân mỗi DN cần phải phải tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá, truyền thông nhằm thu hút khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO