Hàng Việt chiếm 90% thị trường

Nhật Minh 25/07/2015 08:40

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) đã qua chặng đường 6 năm. Từ cuộc vận động, người Việt Nam đã chú trọng tiêu dùng hàng sản xuất trong nước hơn. Đến thời điểm này, trên các kênh siêu thị, kênh bán lẻ tại hầu hết các địa phương trên cả nước, hàng Việt đã chiếm đến 90%.

Hội nghị sơ kết cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lan tỏa rộng khắp

Nếu không có Cuộc vận động, đến thời điểm này, không hiểu hàng Việt đang ở đâu trong suy nghĩ của mỗi người tiêu dùng Việt Nam. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Cuộc vận động 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 do Bộ Công thương tổ chức sáng 24-7.

Sau 6 năm triển khai Cuộc vận động, thị trường tiêu dùng trong nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động được nâng lên tầm cao hơn với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động. Nhận định về những kết quả mà Cuộc vận động mang lại, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, với sự nỗ lực đồng thuận của nhà quản lý các địa phương với các DN trong việc đẩy mạnh Cuộc vận động không chỉ làm thay đổi ý thức tiêu dùng của người dân Việt Nam mà còn trở thành lực đẩy giúp cho các DN trong nước thường xuyên nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để các DN trong nước tự tin bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Công thương, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã và đang tiếp tục được các DN hưởng ứng. Số lượng các đợt hàng Việt về nông thôn ngày một gia tăng về cả số lượng và quy mô theo từng địa bàn. Các hệ thống bán lẻ, kênh siêu thị như Sài Gòn Coop Mart, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro)… đã chủ động, tích cực chung tay cùng DN để đưa nhiều đợt hàng Việt về nông thôn.

Con số thống kê của Bộ Công thương cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương trên cả nước đã tổ chức được 101 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với 1355 lượt DN tham gia, thu hút hơn 600 ngàn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8.000 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhận định, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không những giúp cho các DN trong nước có cơ hội để tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, mà đây còn là kênh kết nối giữa DN với người dân ở nhiều vùng khó khăn trên cả nước. Người dân vùng sâu, vùng xa không có cơ hội để đi về thành phố, thị xã mua hàng, 6 năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp cho người dân ở các vùng khó khăn có thể tiếp cận được sử dụng hàng hóa chất lượng tốt do các DN sản xuất.

Cần khôi phục vai trò hợp tác xã

Theo bà Lan, sức lan tỏa của Cuộc vận động đã thể hiện rất rõ, đặc biệt, hồi tháng 4 vừa qua, thời điểm hành tím, dưa hấu của bà con nông dân các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng bị tồn, không tiêu thụ được. Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh tổ chức chương trình liên kết vùng. Từ đó, hơn 200 tấn dưa hấu, 105 tấn hành tím của bà con nông dân các tỉnh Quảng Nam, Sóc Trăng và các tỉnh phía Nam đã được tiêu thụ thành công giúp cho bà con nông dân nhẹ gánh.

“Tuy nhiên, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có thể phát triển bền vững, việc đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, chúng ta nên chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại để tạo điều kiện cho các DN kết nối với các vùng miền chặt chẽ và thuận tiện hơn” – bà Lan chia sẻ.

Cùng quan điểm với bà Lan, ông Trần Thế Định, Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Bình cũng cho rằng, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối giao thương thuận tiện cho hàng Việt về nông thôn, cần phải khôi phục các hợp tác xã, phát huy vai trò của các hợp tác xã vì đây chính là đầu mối quan trọng để kết nối DN và nhà sản xuất.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Để hỗ trợ DN bán được nhiều hàng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm quản lý thương mại và bán hàng. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng nhái, hàng giả sẽ được đẩy mạnh triển khai để tạo sự cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn cho DN…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt chiếm 90% thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO