Hàng Việt đến tay người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều gian nan

Anh Vũ 03/07/2015 08:39

Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Hà Nội đã tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động của người dân các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quản lý sản xuất. Tuy nhiên qua khảo sát kiểm tra việc thực hiện CVĐ 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, cho thấy, hàng Việt đến với người tiêu dùng vẫn còn nhiều gian nan.

Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội khảo sát tại doanh nghiệp Hạnh Nguyên – Phúc Thọ (Hà Nội)

Khảo sát tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho thấy việc thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức hành vi thói quen của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên bên cạnh đó các sản phẩm nội địa đang còn rất gian truân trong việc đến tay người tiêu dùng vì tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Văn phòng phẩm Hồng Hà là thương hiệu trên thị trường hơn 50 năm với các sản phẩm như vở viết, bút máy Hồng Hà. Tuy nhiên hiện tại các sản phẩm này của công ty đang phải đối mặt với nhiều gian truân trong việc đến tay người tiêu dùng trong nước.

Ông Hoàng Mạnh Ánh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, các sản phẩm của công ty đang phải đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái. Như sản phẩm bút máy Hồng Hà có giá trên 30.000 đồng/chiếc, nhưng hàng nhái giá chỉ trên dưới 10.000 đồng/chiếc. Những sản phẩm bút giả đó được sản xuất làm giả rất tinh vi, khó phát hiện đã gây thiệt hại và khó khăn cho công ty trong sản xuất kinh doanh.

Theo lãnh đạo công ty Cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà, để khắc phục tình trạng trên công ty chỉ biết giao kèo với đại lý nếu bán tiếp hàng nhái sẽ không hợp tác. Do cạnh tranh khó, hiệu quả kinh doanh thấp, công ty Hồng Hà đã phải đóng cửa hai cửa hàng những tháng đầu năm 2015.

Còn tại huyện Phúc Thọ qua kiểm tra cho thấy trong những tháng đầu năm 2015 qua tuyên truyền tổ chức thực hiện CVĐ đã tạo được sức lan tỏa, rộng khắp, từng bước xây dựng đươc nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Trong hai ngày 1-2/7 Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã tổ chức hai đoàn công tác kiểm tra kết quả thực hiện CVĐ 6 tháng đầu năm 2015 tại Ban chỉ đạo CVĐ huyện Ứng Hòa, BCĐ huyện Phúc Thọ, Công ty cổ phần thương mại Ba Vì, Công ty TNHH MTV nội thất Xuân Hòa, Công ty cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty cổ phần XNK thủ công mỹ nghệ Việt Nhật, Công ty TNHH MTV thực phẩm Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Duy Lộc - Chủ tịch UBMTTQ huyện Phúc Thọ, Ban thường trực UBMTTQ huyện, Ban chỉ đạo CVĐ huyện tổ chức 113 buổi tuyên truyền lồng ghép các nội dung của CVĐ với hơn 14 nghìn lượt người tham gia. Các chương trình đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng được tổ chức với 27 đơn vị tham gia, trưng bày bán hơn 600 sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn. Bên cạnh đó Ban chỉ đạo cũng tích cực vận động các đại lý bán lẻ trên địa bàn tăng cường bán các mặt hàng được sản xuất trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên địa bàn.

Khảo sát tại Trung tâm mua sắm Hạnh Nguyên - Thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội) cho thấy có đến 90% hàng hóa được bày bán là hàng Việt, với giá trị bán hàng Việt chiếm hơn 80%. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Phú - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Hạnh Nguyên, có những nhóm mặt hàng như đồ chơi trẻ em thì hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm hơn 90%. Nguyên nhân là mặt hàng này chưa được nhà sản xuất trong nước quan tâm đầu tư sản xuất trong khi đó hàng hóa Trung Quốc mẫu mã lại phong phú giá thành rẻ. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng Việt vẫn chưa phủ sóng hết đến tay người tiêu dùng trong nước.

Từ thực tế trên đại diện các doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước và thành phố cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về cuộc vận động, mở các hội chợ giới thiệu sản phẩm của từng địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề xây dựng thương hiệu, xem xét, hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi, thuế thu nhập cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt đề nghị các ngành chức năng quan tâm hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm minh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường, làm giảm uy tín nhà sản xuất chân chính, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội Lê Thị Kim Oanh, qua việc kiểm tra, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố sẽ báo cáo với Thành phố và các cơ quan chức năng, qua đó đánh giá công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện CVĐ để tạo sự chuyển biến sâu rộng hơn nữa về nhận thức và hành động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quản lý, sản xuất, đồng thời đưa ra các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt đến tay người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều gian nan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO