Hàng Việt 'lên ngôi'

M.Phương – N. Hương 16/01/2020 08:00

Còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Dạo quanh các chợ, hệ thống siêu thị, hàng Việt phục vụ Tết chiếm ưu thế với sự phong phú về mẫu mã, chủng loại, kiểu dáng và giá thành hợp lý. Theo các chuyên gia kinh tế, có được sự thay đổi này là nhờ sức lan tỏa của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hàng Việt 'lên ngôi'

Hơn 90% hàng hóa tại các siêu thị là hàng Việt. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Người tiêu dùng chú trọng chọn hàng Việt

Hiện Hà Nội đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020, gồm: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn rau củ, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2019).

Dạo một vòng quanh hệ thống siêu thị Big C, có thể thấy điểm nổi bật là các sản phẩm hàng Việt được bày hầu như kín các kệ hàng. Từ các loại thực phẩm như bánh mứt kẹo, đồ uống cho đến các đồ gia dụng, quần áo thời trang, giày dép… chủ yếu là các nhãn hiệu quen thuộc như Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm chế biến Vissan… Riêng bánh kẹo Việt, siêu thị Big C chuẩn bị khoảng 2.200 tấn.

Tương tự, tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hàng Việt cũng đang chiếm ưu thế. Điều đó cho thấy càng ngày sức lan tỏa của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ. Nếu như những năm trước, nhiều người tiêu dùng chỉ tìm mua các sản phẩm bánh kẹo ngoại để đi biếu người thân, bạn bè thì năm nay, “gu” chọn hàng của họ đã thay đổi. Anh Nguyễn Văn Thanh (phố Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Năm nay tôi chỉ mua hàng của Việt Nam vì chất lượng chẳng thua gì hàng nhập cả. Trong khi giá lại hợp lý hơn nhiều.

Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người Việt đã thay đổi, khác nhiều so với trước kia, các DN Việt Nam cũng tung ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - cho biết, tại hệ thống Hapro, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo… do DN Việt Nam sản xuất chiếm tỷ lệ khá lớn và cao hơn hẳn mọi năm. Hapro tiếp tục ưu tiên sử dụng các loại bánh, kẹo nội trong các giỏ quà Tết của mình. Ông Vượng cho biết, năm nay, ngoài việc phục vụ tại 70 điểm bán lẻ trong hệ thống, Hapro còn tổ chức 100 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn và tổ chức phiên chợ Việt tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Sức lan tỏa của Cuộc vận động

Không chỉ chú trọng phục vụ khu vực nội thành, các DN còn tổ chức những chuyến hàng về nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu được sử dụng hàng hóa chất lượng cao của DN trong nước. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân các huyện ngoại thành, Sở Công thương và các DN bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu tổ chức 9 phiên chợ hàng Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, khu công nghiệp. Đặc biệt trong tháng 1/2020, Sở Công thương và các DN còn tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Canh Tý phục vụ đông đảo người tiêu dùng thủ đô và các địa phương thuộc địa bàn lân cận.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, số lượng hàng Việt dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tăng 25% so với Tết Kỷ Hợi 2019, điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng khi hàng Việt đã thực sự chinh phục được người tiêu dùng Việt.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, các DN đã thực sự quan tâm đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh để lấy trọn niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. DN đã ngày càng quan tâm đến nhu cầu và những tín hiệu thị trường để cung ứng những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt. Để có được những thay đổi đó, chính là nhờ sức lan tỏa của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với những thực phẩm tươi sống cũng như bánh mứt kẹo trong dịp Tết, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường ra quân và tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, trong dịp cận Tết này lực lượng Quản lý thị trường cũng đã thực hiện bắt giữ rất nhiều vụ và xử phạt rất mạnh tay. Ngoài xử phạt hành chính khi có những dấu hiệu rõ ràng thì cần phối hợp với công an để xử lý hình sự.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, để phục vụ cho 2 tháng Tết Canh Tý 2020, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 19.027 tỉ đồng hàng hóa, tăng gần 603 tỉ đồng (tăng 3%) so với Tết Kỷ Hợi 2019. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 26/12/219 đến 24/1/2020 (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.224,5 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.088,5 tỉ đồng. Nhiều siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình khuyến mãi hàng Tết Nguyên đán với mức giảm giá từ 5-40%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt 'lên ngôi'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO