Hàng Việt- Liên kết để cạnh tranh

H.Hương 01/01/2017 09:15

Dù kinh tế năm 2017 được nhìn nhận là sẽ có không ít biến cố khó lường, song nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới, trong khi đó ở thị trường nội địa ngày càng củng cố vị thế hàng chất lượng. Nhưng, nói vậy không có nghĩa là có thể chủ quan, muốn hàng Việt có thể vững chãi, chắc chân trên mọi ngả đường, liên kết để tăng sức cạnh tranh là điều tất yếu.

Năm 2017 được dự báo hàng Việt sẽ vào siêu thị nhiều hơn.

So găng hàng ngoại

Con số của Bộ Công thương, cả nước hiện có 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại. Trong đó, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước chiếm khoảng 86%, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 4% (khoảng 90 điểm bán hàng). Mặc dù vậy, doanh số bán ra một điểm của các doanh nghiệp FDI gấp 3-4 lần, thậm chí đến 7-8 lần so với một điểm của các siêu thị nội do quy mô lớn. Thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại hiện chiếm khoảng 30-35%.

Ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhìn nhận: “Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong vòng hơn 1 năm qua, nhiều vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) giữa nhà bán lẻ nước ngoài với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã diễn ra. Và như thế, cuộc so găng hàng nội hàng ngoại ngày càng mạnh mẽ hơn.

Không những thế dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, hàng nhập khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp về giá. Muốn hàng nội tồn tại được trên thương trường khốc liệt thì hàng Việt buộc phải có chiến lược.

Theo ông Phan Chí Dũng- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), trong khi tỷ lệ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố chính gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng dường như bị bão hòa, thì thị trường nông thôn nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới. Mặc dù chiếm gần 70% dân số cả nước nhưng doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực này mới chỉ chiếm 54%. Thêm vào đó, tăng trưởng thu nhập của khu vực nông thôn vào khoảng 44% trong 3 năm qua. “Thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến. Việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam là phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội chia sẻ, sức mạnh kinh tế của thành phố được tạo thành từ chính các doanh nghiệp. Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần chọn cho mình một chiến lược kinh doanh đúng đắn trong điều kiện mới.

Hiện nay, chính phủ đã công khai các ngành, các lĩnh vực được ưu tiên phát triển, công khai lộ trình hội nhập, nhất là các lộ trình thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp Hà Nội cần nắm rõ những nội dung đó để tự xác định được lợi thế và thách thức đối với chính mình. Xây dựng chiến lược kinh doanh, xác định một hướng đi đúng đắn dài hạn, một kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong tương lai. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phải tổ chức lại kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Còn ông Đỗ Kim Lang- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương cho biết, một trong những định hướng hoạt động Chương trình Thương hiệu quốc gia đến năm 2020 là xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể theo ngành hàng hoặc chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương có năng lực cạnh tranh xuất khẩu để xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành.

Tự tin xuất khẩu

Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định TPP được coi là một bất lợi, nhiều nghi ngại cũng đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Hải - CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác. Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần đi. Cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.

Cũng theo ông Hải, kinh tế Việt Nam do đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Mặc dù hiện tại còn quá sớm để biết về những chính sách mà chính quyền của ông Donald Trump sẽ áp dụng với châu Á, nếu ông thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử, đây sẽ là nguyên nhân để lo lắng. Một quan điểm thương mại giới hạn chặt chẽ hơn từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia xuất khẩu và nhận đầu tư như Việt Nam khi Mỹ chiếm tới 1/5 lượng xuất khẩu từ Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại nghiêng về bảo hộ của Mỹ từ đó dẫn tới cầu về hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam giảm xuống, gây ảnh hưởng gián tiếp tiêu cực tới Việt Nam.

Nhưng Việt Nam là một đất nước mở cửa với những hiệp định thương mại đã và đang ký với các đối tác. Việt Nam đã là thành viên của Khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Mặc dù các nước thành viên ASEAN có những đặc điểm quá khác biệt và do đó khó đạt được một tầm nhìn chung, AEC vẫn là một bước tiến đáng kể và có ý nghĩa của ASEAN. Một nghiên cứu chung của ILO và ADB chỉ ra trong thập kỷ tới, nếu AEC được quản lý và tận dụng được hết ưu thế, cộng đồng có thể đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7,1% từ nay tới 2025 và gia tăng thêm 14 triệu công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định RCEP mà vòng đàm phán thứ 15 vừa kết thúc tháng 10 năm 2016. Mặc dù phạm vi nhỏ hơn nhiều nếu so với TPP, Hiệp định RCEP lại kết nối 3 thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. “Hiệp định RCEP, mặc dù có những điểm cần cải thiện, vẫn sẽ hỗ trợ tăng trưởng thương mại ở châu Á và kích thích đầu tư vào những chuỗi cung ứng mới”- ông Hải nhấn mạnh

Mặc dù không tham gia Hiệp định TPP, thời gian vừa qua Việt Nam đã có những bước đi để chuẩn bị cho hiệp định này. Quan điểm ông Hải cũng cho rằng dù không tham gia, những nỗ lực cải cách để đảm bảo tuân thủ các điều khoản của Hiệp định TPP không nên dừng lại. Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh thông qua 30 dự luật từ luật lao động, kinh doanh, thương mại… nhằm đáp ứng những yêu cầu TPP và đây là điều nên được tiếp tục.

Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được nhu cầu cần thiết phải cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ quốc tế khi chúng ta ngày càng hội nhập, dù có hay không có TPP. Như vậy, dù không được thông qua, TPP đã đóng vai trò như một cú hích để Việt Nam tiến hành các cải cách và nâng cao nhận thức cho các nhà lập pháp, doanh nghiệp, cộng đồng kinh tế về tác động của tự do thương mại. Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh...

Như vậy, theo giới chuyên gia, năm 2017 sẽ là năm hàng Việt có khả năng “so găng” với hàng ngoại, nếu như các doanh nghiệp nội liên kết lại.

Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong vòng hơn 1 năm qua, nhiều vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) giữa nhà bán lẻ nước ngoài với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã diễn ra. Và như thế, cuộc so găng hàng nội hàng ngoại ngày càng mạnh mẽ hơn - theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt- Liên kết để cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO