Hàng Việt nỗ lực xuất ngoại

Thanh Giang 02/06/2017 09:15

Xuất khẩu hàng Việt qua các kênh bán lẻ nước ngoài là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp trong nước trăn trở. Để hỗ trợ hàng Việt xuất ngoại, nhiều nhà bán lẻ chủ động lên kế hoạch giúp hàng Việt vươn xa ở thị trường các nước.

Doanh nghiệp Việt nỗ lực đưa hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài. (Ảnh: S. Xanh).

Tín hiệu khả quan

Theo đại diện Bộ Công thương, từ năm 2000, thị trường phân phối hàng hóa sôi động hơn vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Sự phát triển của các nhà phân phối nước ngoài giúp doanh nghiệp trong nước đưa hàng lên kệ ở thị trường nội địa, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các nước thông qua hệ thống phân phối bán lẻ. Kết quả sau một thời gian dài áp dụng chiến lược trên, một số sản phẩm “made in Vietnam” đã có chỗ đứng trong quầy kệ ở nước ngoài. Bản thân các nhà phân phối không ngừng nỗ lực phát triển hàng Việt ở thị trường các nước, điển hình như hệ thống siêu thị Big C, Aeon, Lotte…

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Central Group Việt Nam thông tin, Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam liên tục hỗ trợ xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, may mặc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như vải thiều, thanh long, khoai lang,… sang Thái Lan, các nước khu vực Asean. Đây được xem là cơ sở để hàng Việt vươn rộng ra thế giới.

Theo ông Trần Thanh Hải, với phương châm phát triển bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam, Central Group Việt Nam và Big C đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình để giúp quảng bá và đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2017 tới đây, chương trình “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan” lần 2 sẽ tiếp tục được Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức, qua đó nhằm hỗ trợ xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Là một trong những nhà phân phối tiêu biểu cho hàng Việt, hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam không ngừng đưa hàng hóa Việt vào thị trường nước ngoài. Ông Nishitoghe Yasuo – Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho hay, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của 1.675 nhà cung cấp tại Việt Nam vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Aeon đạt gần 200 triệu USD. Trong đó, may mặc và giày dép chiếm gần 70%, còn lại thực phẩm và hàng gia dụng.

Năm 2016, mặt hàng cá tra cũng xuất khẩu vào hệ thống này được 1.500 tấn với giá trị 9 triệu USD. Aeon tiếp tục hỗ trợ hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài thông qua hệ thống bán lẻ. Để thẳng tiến vào 14.000 cửa hàng của riêng Aeon và những nhà phân phối khác thì doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương thực hiện đồng bộ quy trình từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

Cần phát huy tiềm năng

Mặc dù xuất khẩu hàng Việt Nam vào kênh phân phối nước ngoài đạt được những kết quả ban đầu, song so với tiềm năng tăng trưởng thì tỷ lệ này còn quá khiêm tốn. Ông Nishitoghe Yasuo cho biết thêm, chất lượng hàng Việt Nam đang được cải thiện qua hàng năm nên ngày càng tăng. Nhưng nhìn nhung, vấn đề nguồn hàng ổn định, phong phú chủng loại và kiểm soát tốt chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại còn không ít hạn chế. Phía nhà phân phối Central Group Việt Nam cũng thừa nhận, hành trình đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào hệ thống phân phối ngoại đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn gian nan gấp nhiều lần do hạn chế về mẫu mã, chứng nhận chất lượng…

Mong muốn hỗ trợ hàng Việt xuất khẩu vào thị trường các nước qua kênh bán lẻ hiện đại, một số siêu thị chủ động liên kết bằng cách xây dựng phòng làm việc với các doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ làm đóng gói, xây dựng thương hiệu hoặc hỗ trợ tài chính vì doanh nghiệp nhỏ không có tài sản thế chấp. Không ít đại diện nhà phân phối nước ngoài khẳng định, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là tài chính. Lý do nhiều nhà bán lẻ thường trả chậm 45 ngày, điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu cụt vốn. Ông Albin Bertrand - Giám đốc thu mua thực phẩm, Aucham Retail Việt Nam chia sẻ: “ Ở Pháp, chúng tôi tổ chức tuần lễ của các mặt hàng xuất khẩu nhưng với công ty nhỏ thì việc bán hàng trên thị trường nước ngoài khó khăn hơn. Vì vậy, cần có các hiệp hội, phải chung với nhau tiếng nói để làm việc với Chính phủ các nước hướng giảm thuế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về hỗ sơ chứng từ.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ lên kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt qua các nước. Theo đó, sẽ nỗ lực nâng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng tăng thêm 10 – 15%. Mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống phân phối thêm 2 – 3 hệ thống. Đồng thời tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối châu Âu và châu Á tại các nước như Italia, Pháp, CH Séc, Nhật Bản, Thái Lan…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt nỗ lực xuất ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO