Hàng Việt ra thế giới: Khi nào thì 'hữu hình'

Minh Phương 03/09/2016 09:05

Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu nhiều lĩnh vực như giày dép, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là nông sản… Thế nhưng, việc xác định thương hiệu lại vẫn bị coi là “vô hình”. Đây là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp Việt, hàng hóa Việt. Cánh cửa hội nhập ngày càng sâu rộng không cho phép DN thờ ơ với việc xây dựng thương hiệu quốc gia thêm nữa.

Ảnh minh họa.

TH True Milk: Không bán tại cầu cảng

Có mặt trên thị trường Việt Nam khoảng 1 thập kỷ, đến sau Vinamilk nhưng TH True Milk đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa. TH True Milk cũng được biết đến là DN có trang trại bò lớn nhất Đông Nam Á. Theo bà Thái Hương- Chủ tịch TH True Milk, để xây dựng được thương hiệu như ngày hôm nay trên thị trường nội địa, bà đã mạnh bạo đầu tư cả một dây chuyền công nghệ sạch sản xuất sữa với mục đích mang đến nguồn sữa sạch, chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam.

Trước khi thành lập TH True Milk, mục tiêu của bà chủ trang trại bò lớn nhất Đông Nam Á hướng tới không đơn giản chỉ là lợi nhuận. Tham gia vào cuộc ‘cách mạng trắng’, bà Hương xuất phát từ một tâm nguyện thật giản dị là góp sức nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Sự nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu của TH True Milk tại thị trường nội địa đã tạo nên một TH True Milk của ngày hôm nay và chỉ trong khoảng 1 thập kỷ, thương hiệu sữa này đã được người tiêu dùng cả nước biết đến.

Thành công tại thị trường nội địa đã tạo thêm động lực lớn để TH True Milk tiếp tục đem chuông đi đánh xứ người. Đất nước mà DN này hướng đến đầu tiên chính là thị trường Nga. Năm 2015, lần đầu tiên, sữa Việt Nam với thương hiệu TH True Milk đã đánh dấu tên mình trên bản đồ thế giới khi tập đoàn này bước chân sang thị trường Nga để tham gia tọa đàm quốc tế sữa tại quốc gia này. Và ngay trong tháng 10 năm 2015, TH True milk đã tiến hành ký kết một hợp đồng lớn với phái đoàn của Matxcơva. Có thể nói, bước đi đầu tiên trong mục tiêu vươn ra biển lớn của TH True Milk đã thành công ngoài mong đợi. Tại buổi tọa đàm sữa quốc tế tại Nga với 1.500 khách mời đến từ 39 quốc gia, Chủ tịch Tập đoàn đã vui mừng bày tỏ niềm tự hào khi lần đầu tiên sản phẩm sữa Việt vươn ra thị trường thế giới. “Chúng ta có thể thảo luận cùng các nhà sản xuất sữa thế giới”- Chủ tịch TH True Milk tự tin chia sẻ.

Với những nỗ lực của mình, TH True Milk đã thực sự khẳng định được thương hiệu sữa Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều mà rất hiếm DN Việt nào có thể làm được. Chính vì thế, cho đến nay, những DN có thể tạo được dấu ấn riêng cho mình tại thị trường quốc tế vẫn chỉ là một con số hết sức khiêm tốn.

Tại cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập về kinh tế của Bộ Công thương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã thẳng thắn nêu lên điểm yếu của các DN Việt Nam hiện nay chính là tập quán làm ăn “bán tại cầu cảng”, phó mặc khâu mang hàng cho các đối tác nước ngoài, không có nhu cầu ra nước ngoài tìm nguồn hàng… cách làm ăn kiểu này là lý do khiến cho DN Việt mất đi nhiều cơ hội tại thị trường thế giới. Chỉ có một số rất ít những DN như TH True Milk hay Vĩnh Hoàn đã vươn xa ra đại dương, lập công ty ở nước ngoài,có hệ thống bán hàng riêng.

Không có thương hiệu, DN chỉ là vô hình

Nhận định đó của Thứ trưởng Bộ Công thương một lần nữa trả lời cho câu hỏi: Tại sao Việt Nam cứ mãi không thoát khỏi cái bóng của tình trạng “xuất khẩu thô” hay nói cách khác đi, xuất khẩu mới chỉ quan tâm đến sản lượng, số lượng mà quên đi chất lượng, giá trị của sản phẩm. Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là nước xuất khẩu đứng hàng top đầu nhiều mặt hàng thuộc lĩnh vực nông sản, đặc biệt là gạo, nhưng người tiêu dùng thế giới mấy ai biết đến nông sản Việt Nam, mấy ai biết đến thương hiệu hạt gạo của Việt Nam? Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sự yếu kém thua thiệt lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, nếu DN không quan tâm đến tạo giá trị riêng cho sản phẩm của mình thì DN sẽ không chỉ khó tồn tại trên thị trường thế giới mà ở chính sân chơi nội địa, cũng rất khó trụ vững.

Quay trở lại với câu chuyện của TH True Milk, với việc đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, hệ thống sản xuất sạch cho cả dây chuyền sản xuất, DN này đã đưa ra thị trường những sản phẩm sữa chất lượng và có giá trị, tạo được những dấu ấn riêng của mình.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu các sản phẩm nông sản khác của Việt Nam cũng quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất và tập trung vào nâng cao giá trị cho sản phẩm xuất khẩu như vậy, chắc chắn họ cũng sẽ tạo được vị thế , chỗ đứng riêng của mình trên thị trường thế giới. Nói đúng hơn, dường như vấn đề của chúng ta hiện nay nằm ở chỗ, các DN vẫn có tầm nhìn ngắn hạn, kiểu làm ăn “ăn xổi” manh mún, thậm chí cạnh tranh kiểu “chụp giật” đã khiến cho chúng ta bị tổn thương rất nhiều, tại không ít thị trường, người nước ngoài còn nhìn các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam với con mắt không mấy thiện cảm.

Bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa trong nước, đặc biệt là các sản phẩm nông sản Việt Nam, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định coi ưu tiên số một của chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam chính là xây dựng logo cho thương hiệu hạt gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan, song đó là về sản lượng. Về chất lượng, gạo Việt Nam dường như xếp hạng “áp chót” khi đang bị Ấn Độ, Thái Lan và cả Campuchia cũng bỏ xa.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đáng buồn cho gạo Việt khi xuất đi thị trường thế giới một sản lượng rất lớn nhưng chẳng mấy ai biết đến gạo Việt Nam. Người tiêu dùng tại Mỹ, châu Âu… chỉ biết đến gạo Thái Lan và giờ họ biết cả gạo Campuchia. Đó là kết quả tất yếu của việc chạy theo số lượng xuất khẩu mà bỏ qua chất lượng, không coi trọng xây dựng thương hiệu một thời gian rất dài. “Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo nói riêng và các sản phẩm nông sản Việt Nam nói chung, chúng ta sẽ có những cái được rất lớn. Một là giá trị của sản phẩm nông sản xuất khẩu của ta trên thị trường thế giới sẽ khác đi, vì khi có thương hiệu chắc chắn người nước ngoài sẽ nhìn các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam với con mắt khác, vị thế rõ ràng được nâng lên. Thứ nữa, để tạo dựng được thương hiệu, các DN Việt Nam sẽ làm ăn bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn và từ đó, hệ thống lại, cơ cấu lại được hoạt động của DN, nâng cao được sức cạnh tranh, điều này rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”- TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá.

Trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh trên thị trường thế giới đang trở thành một cuộc chiến giữa các thương hiệu cùng với “chiến tranh giá cả, chất lượng”. Bởi vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chưa quan tâm tới tài sản vô hình là thương hiệu cũng như chưa định vị được rõ ràng thị trường, khách hàng mục tiêu và thiếu niềm tin vào giá trị gia tăng do thương hiệu… là lý do khiến các DN Việt Nam dễ dàng bị làn sóng hội nhập nhấn chìm.

Nhấn mạnh về giá trị thương hiệu trong bối cảnh hiện nay, ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance - Công ty tư vấn thương hiệu quốc tế tại Việt Nam cho biết, giá trị thương hiệu của Việt Nam tính năm 2014 là 172 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2013 và tính trong khối ASEAN, Việt Nam vươn lên đứng thứ 6, sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, v.v... Tuy nhiên, dường như các DN Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thương hiệu trong xu thế hội nhập trong khi áp lực cạnh tranh thời gian tới là rất lớn.

Giới chuyên gia cho rằng, khi không xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, khi chúng ta vẫn phải vào thị trường thế giới qua khâu trung gian hoặc dưới hình thức gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài… thì các DN Việt, các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam sẽ chỉ mãi vô hình trên bản đồ thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt ra thế giới: Khi nào thì 'hữu hình'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO