Hàng Việt 'so găng' với sản phẩm Thái

THANH GIANG 18/07/2022 06:58

Việt Nam và Thái Lan đều đang hướng đến mục tiêu đạt 25 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2025. Đây chính là lý do mà doanh nghiệp hai nước liên tục “chạy đua” nhằm thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng.

Hàng Việt tham gia hội chợ Thaifex 2022.

Hàng Thái thâm nhập thị trường Việt

Đến hệ thống siêu thị Big C, MM Mega Market, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm “Made in Thailan” trên các quầy kệ trưng bày. Từ những vật dụng nhỏ nhất như tăm tre, thìa, muỗng, chén đến các ngành hàng may mặc, giày dép, hóa mỹ phẩm, trái cây, rau củ quả... rồi thực phẩm chế biến. Được mệnh danh là thiên đường hàng Thái tại Việt Nam, MM Mega Market tự hào là cầu nối thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Thái Lan. Ông Bruno Jousselin - Tổng Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Asean và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 9. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan. Hiện cả hai nước đều hướng đến mục tiêu đạt 25 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2025”.

“Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng trong nước có vẻ chuộng hàng Thái Lan khá nhiều. Mọi người “săn” hàng Thái tại siêu thị, cửa hàng chuyên hàng Thái, thậm chí đi du lịch cũng tranh thủ mua sắm hàng Thái. Hiểu được tâm lý người tiêu dùng nên tôi quyết định mở cửa kinh doanh các sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan. Ngoài mặt hàng thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, tôi kinh doanh cả mỹ phẩm Thái Lan” - bà Nguyễn Ngọc Hân - Chủ cửa hàng chuyên sản phẩm Thái Lan (đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức) cho biết.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng năm 2022 hàng hóa từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt gần 7,01 tỷ USD, tăng 5,8% so với 6 tháng năm 2021. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 804,69 triệu USD, chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này. Nhóm hàng xăng dầu nhập khẩu từ Thái Lan đứng thứ 2 về kim ngạch đạt 634,37 triệu USD, chiếm 9,1% trong tổng kim ngạch, tăng mạnh 96,8%...

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho rằng, hiện nay Việt Nam đang nhập siêu hàng hóa từ Thái Lan. Hàng hóa của Thái Lan và Việt Nam có tính tương đồng nhau. Ví dụ, Việt Nam có thế mạnh về gạo, dệt may, da giày… thì Thái Lan cũng có thế mạnh về những mặt hàng này.

Hàng Việt đứng vững ở thị trường Thái

Không để thua thiệt, sản phẩm “made in Vietnam” cũng tính chuyện thâm nhập thị trường Thái Lan bằng mọi cách. Mới đây nhất, 18 doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống Việt Nam tham gia hội chợ Thaifex 2022. Theo đó, các sản phẩm theo hai nhóm chủ đề: “sản phẩm mới đáp ứng thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng sau đại dịch” và “thực phẩm ngon - lành là phải tốt cho sức khỏe”.

Ông Phan Chí Thành - Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan khẳng định: “Thị trường Thái Lan, một thị trường đã phát triển trong khu vực, với dân số khoảng 70 triệu người, đây là thị trường nhiều tiềm năng. Càng phát triển người dân Thái Lan có nhu cầu cao về những sản phẩm mới, nhất là sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho đời sống thường ngày đã qua chế biến. Nên đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo ông Thành, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan rất muốn thúc đẩy thành lập một Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và kinh doanh tại Thái Lan, để đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan nhiều hơn nữa, đáp ứng nhu cầu cho người dân Thái Lan và sự hợp tác của hai nước.

Khẳng định hàng Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng Thái, ông Lê Bá Linh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Pacific Food, Phó ban liên lạc kiều bào Thái Lan cho biết, doanh nghiệp của ông sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đi thị trường Mỹ, Canada... “Về hàng rào kỹ thuật, công ty chúng tôi đã mất mười mấy năm để đưa sản phẩm qua các nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, vì vậy chúng tôi sẽ vượt qua được hàng rào cản kỹ thuật tại Thái Lan để đưa hàng vào thị trường này” - ông Linh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đưa hàng Việt vào thị trường Thái Lan, nhiều ý kiến cho rằng, hàng Việt chiếm ưu thế ở thị trường Thái. Những sản phẩm mang tính cạnh tranh của Việt Nam được người Thái tin dùng. Đơn cử, khi gạo ST25 của Việt Nam nổi tiếng thế giới thì người tiêu dùng Thái Lan cũng “săn lùng”. Đối với mặt hàng nông nghiệp, quả thanh long, xoài, nhãn, vải cũng có mặt ở thị trường này...

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại & Đầu tư TPHCM (ITPC) nhìn nhận, Thái Lan là thị trường hết sức quan trọng, tiềm năng, còn dư địa để các doanh nghiệp trong nước khai thác. “Tôi có người bạn ở Thái Lan, mỗi năm tới mùa vải thiều, vú sữa, đều phải nhờ đóng hàng gửi sang Thái Lan. Từ câu chuyện này tôi muốn nói, với chất lượng sản phẩm của Việt Nam ngày càng nâng lên, có uy tín, có thương hiệu, chứng tỏ sản phẩm Việt Nam có chỗ đứng ở thị trường Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt 'so găng' với sản phẩm Thái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO