Hãnh diện là người Việt Nam

Thành Luân 20/11/2016 09:35

Gặp GS Việt kiều – Caroline Kiều Linh Valverde trong những ngày kiều bào về TP HCM, chúng tôi đặc biệt thích thú với cách phát âm tiếng Việt “lơ lớ” của bà, một giọng nói đặc trưng của những người nước ngoài mới học và nói tiếng Việt, nhưng lại chất chứa tình cảm dạt dào với cố hương.

GS Caroline Kiều Linh Valverde là một trong những trí thức kiều bào tiêu biểu được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời về nước dịp này. Ảnh: Hồng Phúc.

Tuổi thơ của GS Đại học California Davis (California, Hoa Kỳ) được nuôi dưỡng từ tình yêu thương của ông bà nội. Bà Linh kể, bà chỉ được nhìn bố mình lần đầu lúc 3 tuổi và khi lên 5 thì mới biết mặt của mẹ.

Tuổi thơ như vậy, nên gần như 25 năm trước, khi còn là thiếu niên, bà Linh hầu như không biết gì về đất nước Việt Nam, nơi cha mẹ của bà đã sinh ra. Chỉ đến khi vào đại học, GS Linh thấy mình khác biệt với những bạn học xung quanh. Lúc đó, bà đã nghĩ mình cần xác định mình là người nước nào. Để tìm nguồn cội, bà đã tìm lại những bức ảnh cũ và biết rằng, nguồn cội, máu mủ của mình là Việt Nam. “Nhiều người hỏi tôi bạn một nửa Việt nửa Mỹ hả? Hay có người hỏi mày 70% Pháp và 30% Việt Nam à? Tôi trả lời là không, tôi 100% Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm”, bà Linh dí dỏm kể lại.

Vậy là trải qua nhiều những tự xét chân thật và nhìn lại cuộc đời mình qua những tấm ảnh đã hoen màu thời gian GS Linh nhận ra rằng mình cũng là người Việt.

Hiện nay GS Linh nghiên cứu, giảng dạy về Dân chủng học, văn hoá Việt Nam và Châu Á ở Mỹ. Bà có tình yêu vô bờ bến với nền văn hoá Việt Nam dù sinh ra, lớn lên ở Mỹ. Đi đâu, thậm chí trong từng bài giảng của mình, bà Linh luôn khẳng định mình là... “made in Vietnam”.

Mới đây, GS Linh tâm huyết với đề tài nghiên cứu về “Quan hệ giữa cộng đồng người Việt Hải ngoại và trong nước”, với mong muốn thấu hiểu hai cộng đồng này liên kết với nhau và làm sao để họ có thể hợp tác để tạo ra lợi ích chung.

Năm 1993, GS Linh bắt đầu trở về Việt Nam lần đầu tiên để trải nghiệm môi trường văn hóa và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, bằng việc đáp máy bay đến Hà Nội để theo học tiếng Việt và làm công việc nghiên cứu tại trường Đại học Bách Khoa.

“Cảm nhận đầu tiên của tôi đây là một nơi rất xa lạ, nhưng không hiểu vì sao tự nhiên tôi có cảm giác như có sự gắn bó ruột thịt với những người chưa từng quen biết. Từng góc phố, từng cột đèn, những vỉa hè xung quanh phố cổ như thầm gọi đứa con xa xứ trở về quê hương”, GS người Mỹ gốc Việt xúc động.

GS Việt kiều – Caroline Kiều Linh Valverde chụp hình lưu niệm với những người bạn mới quen tại TP HCM.

Tu nghiệp được một năm, sau đó trở về Mỹ, rồi lại qua lại, rồi trở về, rồi qua lại tiếp, cứ như thế trong nhiều năm. Trong giai đoạn này, GS Linh nhận ra mối liên hệ giữa hai cộng đồng người Việt Hải ngoại và trong nước. Sự tích lũy của gần 20 năm kinh nghiệm đã giúp GS Linh có đủ tài liệu để soạn quyển sách nghiên cứu đầu tay mang tựa “Transnationalizing Vietnam”. Hiện nay sách bán trên Amazon.

“Trong sách tôi có nói về những mối liên hệ sơ khai rồi tăng mạnh dần cho đến ngày nay. Nó bắt đầu qua những thùng quà được gửi về cho gia đình và thân nhân ở Việt Nam. Sau đó là những chuyến đi lặng lẽ về thăm nhà trong sự lo âu bị mang tiếng là quay lưng với cộng đồng. Nhưng đến nay mọi kỳ thị dường như bị xóa nhòa và có hàng hàng lớp lớp những người về, kẻ thăm nhà, người làm ăn”, GS Linh chia sẻ.

Sự phát triển của mối quan hệ gắn bó không thể nào dứt được giữa kiều bào ở Hải ngoại và người Việt trong nước là một điều cuốn hút thực sự với GS Linh trong những ngày đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Là giáo sư tại ĐH California Davis, GS Linh đã dạy và dẫn dắt nhiều thế hệ sinh viên gốc Việt và gần đây, ngày càng tăng những sinh viên du học sinh từ Việt Nam qua Mỹ học.

Cùng với đó, sự đổi mới về chính sách thu hút kiều bào trong 23 năm qua đã thúc đẩy sự trao đổi văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế,… mạnh mẽ giữa hai quốc gia Việt – Mỹ. Nhiều dòng vốn kiều bào về nước đầu tư, cũng như người Việt trong nước qua Hoa Kỳ thăm thân nhân và tu nghiệp.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư trực tiếp của Microsoft, IBM và gián tiếp qua các quỹ Dragon Capital, Vina Capital đều dựa vào những yếu tố nhân sự của kiều bào yêu nước, với khát khao cống hiến cho đất nước. Theo bà Linh, tất cả những yếu tố nêu trên đang giúp kinh tế Việt Nam đang vươn tầm, tương lai sẽ trở thành một con rồng mới nổi của khu vực.

Gần đây, GS Linh cụ thể hóa khát vọng của mình, bằng việc đưa các sinh viên ưu tú của mình trở về Việt Nam để học tiếng Việt và thực tập sinh cho một công ty công nghệ thông tin ở TP.HCM. Một công ty được sáng lập bởi một Việt kiều, từng là hàng xóm của GS Linh ở Oakland, California.

“Thời gian học tập ở Sài Gòn tuy ngắn nhưng cũng đủ tác động đến những thay đổi lớn đối với sinh viên của tôi. Cô ấy cũng quyết định kéo dài thời gian học tập và nâng cao khả năng tiếng Việt. Bởi vì cô ấy nghĩ chính nơi quê nhà đã mở ra một lối đi mới và giờ đây cô ấy có dự tính sẽ về Mỹ học MBA hay trở thành Luật sư, để rồi trở lại Việt Nam đóng góp cho quê hương”, GS Linh xúc động khi nói về học trò của mình.

Nhìn vào một thế hệ trẻ trí thức kiều bào đang lớn lên ở nước Mỹ, nhưng luôn có tâm tư hướng về nguồn cội, GS Linh tâm tư: “Nếu chọn con đường năng động, cấp tiến, Việt Nam cần đầu tư vào thế hệ trẻ. Khuyến khích nhân tài, giúp họ biết phát huy cội nguồn là người Việt để đóng góp cho nước nhà ngày mai tươi sáng hơn. Đây là nguyện ước mà tôi sẽ làm hết cuộc đời”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãnh diện là người Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO