Hành trình chiến thắng đại dịch và sự vươn lên ở Bình Dương

Quốc Định 27/12/2021 11:00

Chặng đường dài hơn 8 tháng, kể từ lần thứ 4 dịch Covid-19 bùng phát, cả hệ thống chính trị và nhân dân kiên cường phòng, chống dịch. Nhờ vậy mà đến nay Bình Dương cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Toàn tỉnh đang nỗ lực lập lại cuộc sống bình thường; các khu công nghiệp, nhà máy từng bước đi vào hoạt động để khôi phục tối đa sản xuất; mọi người, mọi nhà đang ra sức thi đua với một khí thế mới…

Bài 1: Xã phường làm 'pháo đài', người dân là 'chiến sĩ'

“Bão dịch” tràn về, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống dịch. Nhiều khu công nghiệp trong tỉnh đã tiến hành phương án "3 tại chỗ". Tùy tình hình ở mỗi nơi để có những kịch bản khác nhau nhưng tất cả đều cùng thống nhất là tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch mà không để gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Chung tay đẩy lùi dịch

Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương, cho biết kể từ khi đợt dịch lần 4 bùng phát đến nay, Bình Dương đã ghi nhận trên 290.000 ca nhiễm Covid-19 ở 9/9 huyện, thị và thành phố thuộc tỉnh. Toàn tỉnh Bình Dương có gần 30 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho hầu hết các bệnh nhân không may mắc phải.

Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, dự báo số ca mắc sẽ tăng lên, UBND tỉnh Bình Dương quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và TX Bến Cát, TX Tân Uyên từ 0h ngày 1/9 đến hết ngày 15/9.

Mặc dù dịch Covid-19 ở Bình Dương đang được kiểm soát tốt nhưng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.
Mặc dù dịch Covid-19 ở Bình Dương đang được kiểm soát tốt nhưng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Tỉnh cũng thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 18h ngày hôm sau. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo biện pháp "khoá chặt" trên địa bàn 15 phường thuộc các TP Thuận An, Dĩ An và TX Tân Uyên trong thời gian nêu trên.

Trao đổi với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đưa các thông tin chính thống về hình hình dịch bệnh, tuyên truyền việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh trong bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay để tạo sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh, động viên người dân tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đến lượt và chung tay cùng địa phương chiến thắng đại dịch.

Ông Nguyễn Hoàng Thao chia sẻ, đây là khoảng thời gian cả hệ thống chính trị phải nỗ lực hết mình, huy động các biện pháp chiến lược để chống dịch hiệu quả với các bước đi vững chắc, hiệu quả mà tỉnh đã đề ra.

“Với phương châm “lấy xã phường làm pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ trên mặt trận”, thời gian qua tỉnh luôn củng cố, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu về tuyến cơ sở. Đối với cấp tỉnh, các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách kiểm tra “vùng đỏ”, còn cấp huyện thì tăng cường kiểm tra, giám sát cấp xã. Tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động cũng được kiện toàn, tăng cường hoạt động về cơ sở bám dân, gắn với dân, đưa dịch vụ y tế tiếp cận gần hơn với người dân”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thông tin.

Kiểm tra công tác mô hình “3 tại chỗ” tại một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian dịch diễn biến nặng.
Kiểm tra công tác mô hình “3 tại chỗ” tại một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian dịch diễn biến nặng.

Ông Thao cho biết, tỉnh quyết định thực hiện chiến lược quét xét nghiệm nhiều lần để bóc toàn bộ F0 đưa đi cách ly, điều trị. Trong lúc thực hiện xét nghiệm, giãn cách rất cần sự đồng thuận của người dân.

Không để “đứt gãy” sản xuất

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết để đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu các DN chỉ được tổ chức sản xuất khi đảm bảo toàn bộ người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với SARs-CoV-2. Còn khi DN phát hiện có dịch bệnh phải lập tức dừng sản xuất ngay, không để lây lan.

Theo ông Trung, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp nhất, tổng số DN trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” là 3.436 DN. Cụ thể, ở trong các khu công nghiệp có 1.894 DN với gần 273.842 lao động đăng lý làm việc; ngoài khu công nghiệp có 1.542 DN với gần 117.179 lao động đăng ký làm việc. Chỉ tính riêng hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 191 DN đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 46.000 công nhân.

Để đồng hành cùng DN, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với chủ đầu tư 29 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để bàn biện pháp phòng, chống Covid-19 và chống “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Lợi, tỉnh vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chống đứt gãy chuỗi sản xuất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Những khó khăn chung của DN, chúng tôi xem là khó khăn của chính mình để cùng nhau tháo gỡ. Do đó, hiện không thể đổ lỗi cho nhau, mà cùng nhau hợp lực có hiệu quả trong phòng, chống dịch để duy trì ổn định sản xuất, thực hiện mục tiêu kép mà Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chia sẻ.

Để chống đứt gãy sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh xây dựng lại kịch bản kiện toàn phòng chống dịch bệnh theo hướng phát huy vai trò của các tổ phòng chống dịch các cấp một cách thực chất, hiệu quả, trên cơ sở có sự phối hợp cao độ giữa các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp như mời chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Cũng trong thời gian này, Đoàn công tác Sở Công Thương phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K và 3 tại chỗ của Bộ Y tế, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó với các mức độ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, ưu tiên công tác chống dịch, duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất công nghiệp, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất có quy mô lớn.

Công nhân tại một DN đang dùng bữa trưa theo phương án “3 tại chỗ”.
Công nhân tại một DN đang dùng bữa trưa theo phương án “3 tại chỗ”.

Qua đánh giá, để bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, an toàn cho công nhân và cộng đồng, ổn định sản xuất, các công ty, nhà máy đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả theo đúng quy định của Trung ương và của tỉnh Bình Dương.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đánh giá sau khi kiểm tra hoạt động sản xuất và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các DN, các đơn vị đã nỗ lực và chủ động triển khai tốt các biện pháp, đặc biệt là đối với các DN lớn, DN tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp. Việc đẩy mạnh triển khai, cập nhật thông tin đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên hệ thống “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19” đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp… được thực hiện rất tốt. Nhiều mô hình "3 tại chỗ" phù hợp với thực tế, sáng tạo trong cách làm, cần nhân rộng.

Đối với các DN thực hiện chưa tốt, còn nhiều thiếu sót, Sở Công Thương hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Đưa ra những kinh nghiệm thực tế từ các DN thực hiện tốt, hướng dẫn phương án 3 tại chỗ trên cơ sở thực tế của từng DN. Đồng thời, kiên quyết đề xuất tạm dừng hoạt động đối với những DN, cơ sở sản xuất không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo quy định; hoặc có thực hiện nhưng đánh giá ở mức không bảo đảm an toàn, không cập nhật thông tin về đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sau khi được cấp tài khoản trên hệ thống “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình chiến thắng đại dịch và sự vươn lên ở Bình Dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO