Hành trình cực đoan được báo trước của kẻ tấn công khủng bố ở Anh

06/06/2017 18:48

Cảnh sát Anh trong hôm 6/6 đã chính thức công bố danh tính của 2 trong số 3 kẻ tấn công khủng bố ở giữa trung tâm thủ đô London hồi tuần trước, một trong số chúng đã từng lọt tầm ngắm của lực lượng an ninh vì có quan điểm cực đoan và từng bị báo với chính quyền cách đây vài năm.

Hai kẻ tấn công khủng bố được cảnh sát Anh công khai danh tính gồm Khuram Shazad Butt và Rachid Redouane. (Nguồn: BusinessInsider).

Được biết kẻ này cũng từng xuất hiện trong một bộ phim tài liệu chiếu trên truyền hình Anh có nội dung về thánh chiến. Khuram Shazad Butt, một cựu công nhân quá cảnh, được mô tả là người giao tiếp tốt với xã hội. Những người hàng xóm của gã kể rằng gã thường mời bạn bè tới nhà ăn uống, tới một phòng tập thể thao và bể bơi trong vùng.

Tuy nhiên, kẻ này cũng có góc tối của hắn, đủ để những người hàng xóm gọi điện tới đường dây nóng của cảnh sát để cảnh báo rằng hắn là một kẻ cực đoan.

Butt, kẻ tấn công bị cảnh sát Anh tiêu diệt trong vụ việc xảy ra hôm thứ Bảy tuần trước, là một công dân Anh sinh trưởng ở Pakistan. Kẻ này nói khẩu ngữ của vùng phía Đông London và là một fan hâm mộ của đội bóng Arsenal. Gã đã mặc chiếc áo thi đấu của đội bóng này khi cùng 2 kẻ khủng bố khác tấn công khiến 7 người thiệt mạng và làm 48 người khác bị thương, sau đó dùng dao chém người đi đường ở ngay trung tâm London.

Nghi phạm còn lại được cảnh sát nêu tên là Rachid Redouane.

Butt từng công khai về quan điểm cực đoan của mình trong nhiều năm liền, trong đó từng cho rằng việc đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử ở Anh là “chống lại người Hồi giáo”.

Erica Gasparri, người phụ nữ sống tại cùng khu vực với nghi phạm Butt ở vùng Barking, phía Đông London, nói với tờ Washington Post rằng cách đây 2 năm, một trong số những đứa con của bà trở về nhà và nói rằng: “Con muốn trở thành một người Hồi giáo để có thể đến thiên đường”.

“Hắn đã cố gắng tẩy não con cái tôi” - bà Gasparri kể lại.

Những người hàng xóm cho hay Butt thường không cho phụ nữ trong gia đình hắn được ra khỏi nhà. Vợ của gã luôn luôn phải mang mạng che kín mặt. Kẻ này cũng có 2 con. Bà Gasparri cho hay bà đã gọi báo cảnh sát để nói rằng Butt là một kẻ cực đoan. “Hắn từng nói với tôi rằng sẽ làm bất cứ điều gì vì tôn giáo của hắn”, bà Gasparri kể lại.

“Khuram Shazad Butt từng lọt vào tầm ngắm của cảnh sát và MI5” - cảnh sát Anh nói trong một tuyên bố hôm đầu tuần - “Tuy nhiên, chúng tôi không có thông tin tình báo cho thấy vụ tấn công này đã được lên kế hoạch”.

Jibril Palomba, một người hàng xóm khác của nghi phạm Butt, nói rằng ông từng bỏ thời gian tập luyện cùng Butt ở phòng tập dụng cụ. “Hắn ta từng là một người tốt, nhưng sau đó lại trở thành một kẻ có vấn đề”, ông Palomba nói.

Ông Palomba, người có cha mẹ là người Italy và Somalia, cũng là một tín đồ Hồi giáo. Ông kể lại rằng trong lần cuối cùng nhìn thấy Butt, vào khoảng 3 ngày trước khi vụ tấn công khủng bố xảy ra, kẻ này có thái độ rất lạ lùng.

“Hắn nói với tôi là “Chúc may mắn”, và tôi nói lại rằng “Gì cơ, anh đang đi đâu à?”, và hắn nói “Không nơi nào cả”” - ông Palomba kể lại - “Hắn còn nói rằng “Tôi chỉ đang nói rằng ông hãy trở thành một người Hồi giáo tốt để có thể lên thiên đường””.

Được biết, nghi phạm Butt từng bị đuổi khỏi một trong số các nhà thờ Hồi giáo ở Đông London, nơi mà hắn thường tới cầu nguyện, sau khi hét vang một khẩu hiệu cực đoan để ngắt lời vị giáo sỹ tại đó. Theo Trung tâm Hồi giáo Jabir bin Zayd ở London, sự việc này đã xảy ra “vài năm trước”, và không cho thêm chi tiết nào.

Butt cũng từng xuất hiện trong một bộ phim tài liệu nói về thánh chiến được trình chiếu trên truyền hình Anh, trong đó người xem có thể thấy Butt đang cầu nguyện tại một công viên ở thủ đô London.

Có ít nhất 1 người khác từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu này sau đó đã gia nhập phiến quân IS ở Syria, kẻ này có tên Siddhartha Dhar. Dhar rời khỏi anh chỉ vài ngày sau khi được bảo lãnh ra tù và được tin là đã lên chức nhanh chóng trong hàng ngũ của IS sau khi hắn tới Syria. Cũng giống như Dhar, Butt được tin là có liên hệ với al-Muhajiroun, một tổ chức cực đoan bị cấm.

Thủ lĩnh của al-Muhajiroun, Anjem Choudar, là một giáo sỹ bị cáo buộc đã cực đoan hóa hàng chục (có khi hàng trăm) công dân Anh trẻ tuổi trong vòng 2 thập kỷ qua. Kẻ này bị tuyên án 5 năm rưỡi tù giam hồi năm 2016 vì tuyên truyền ủng hộ cho IS. Giới chuyên gia cho rằng việc bắt giữ Choudary là quá muộn màng bởi lúc đó, rất nhiều tín đồ của kẻ này đã tới Syria và Iraq để gia nhập hàng ngũ phiến quân IS, trong khi một số kẻ được cho là đã trở về Anh.

“Thông thường, chính phủ Anh sẽ thường để cho các nhóm này hoạt động theo một cách hạn chế do quyền tự do ngôn luận. Quan trọng hơn, chính quyền cũng tin rằng để các nhóm này tồn tại sẽ giúp họ theo dõi được các nghi phạm” - Shiraz Maher, phó Giám đốc Trung tâm quốc tế Nghiên cứu Bạo lực chính trị và Cực đoan trụ sở tại London, cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình cực đoan được báo trước của kẻ tấn công khủng bố ở Anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO