Hành trình hướng tới hòa bình, thịnh vượng

Khánh Duy 27/02/2019 00:17

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Hà Nội, Việt Nam vào sáng hôm 26/2 trên đoàn tàu bọc thép, ngay trước kỳ họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.

Hành trình hướng tới hòa bình, thịnh vượng

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đón Chủ tịch Triều Tiên KimJong-un đến Hà Nội tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Yonhap).

Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên tới Hà Nội

Chiếc xe Mercedes S600 Pullman Guard chống đạn chở ông Kim đã tới khách sạn 5 sao Melia ở trung tâm Thủ đô Hà Nội sau hành trình dài 170 km từ ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Theo báo giới Hàn Quốc, ông Kim đã tới ga Đồng Đăng sau 66 giờ di chuyển liên tục, vượt qua chặng đường dài 4.500 km từ thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Hôm nay và ngày mai (27 và 28/2) Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, sau hội nghị lần thứ nhất (tháng 6/2018) tại Singapore.

Theo Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, đoàn xe lửa bọc thép của ông Kim đã dừng tại ga Đồng Đăng và lúc 8h10 ngày 26/2 (giờ Việt Nam). Ông xuất hiện cùng bộ trang phục màu đen thường thấy, nở nụ cười và vẫy chào những người đang đón chờ ông tại ga, trước khi đi lên xe để đến thủ đô Hà Nội.

Bằng chuyến thăm này, ông Kim đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên tới thăm Việt Nam trong 55 năm qua, kể từ sau chuyến thăm của cố lãnh đạo Kim Il-sung, ông nội của ông Kim Jong-un, người sáng lập đất nước Triều Tiên. Ông Kim cũng có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Hà Nội, gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao trước khi tham gia các cuộc đối thoại với Tổng thống Trump.

Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên KRT đã phát sóng đoạn video cho thấy người dân Bình Nhưỡng tập trung tại một màn hình lớn công cộng để theo dõi tin tức về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un. Người dẫn chương trình kỳ cựu Ri Chun Hee thông báo lãnh đạo Triều Tiên đã đi tàu đến Hà Nội để dự Hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Theo đài truyền hình, người dân Triều Tiên đã bày tỏ niềm tự hào về ông Kim khi nhà lãnh đạo thực hiện một hành trình dài tới Việt Nam vì sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc của nhân dân.

Tổng thống Trump trong khi đó lên chuyên cơ Không lực Một tại căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô Thủ đô Washington D.C lúc 12h30 ngày 25/2 (0h30 ngày 26/2 giờ Việt Nam) để tới Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh lần hai với Chủ tịch Kim Jong-un. Chuyên cơ của ông đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nội Bài vào tối hôm 26/2.

Ít nhất có 5 cuộc gặp tại Hà Nội

Trước chuyến đi, ông Trump thể hiện rõ sự lạc quan của mình về cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Kim. “Đang hướng tới Việt Nam để gặp gỡ ông Kim Jong-un. Tôi mong đợi sẽ có một kỳ thượng đỉnh thành công!” - ông Trump viết trên Twitter.

Ngay trước khi rời khỏi Washington để tới Hà Nội, ông Trump cũng đã nói: “Chúng tôi muốn giải giáp hạt nhân, và tôi nghĩ rằng ông ấy (ông Kim Jong-un) sẽ có một đất nước đạt được những thành tựu nhanh chóng xét về kinh tế”.

Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp riêng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tối 27/2 tại Hà Nội, sau đó hai nhà lãnh đạo dùng bữa tối cùng đội ngũ cố vấn cấp cao. Các cuộc họp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 28/2.

So với Hội nghị đầu tiên tổ chức tại Singapore vào năm ngoái, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ dành thời gian nhiều hơn trong Hội nghị lần này để thảo luận về những vấn đề quan trọng. Năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã bỏ ra tổng cộng gần 5 giờ đồng hồ thảo luận, trong đó bao gồm một cuộc gặp riêng và nhiều cuộc họp mở rộng.

Hiện chưa rõ lịch trình làm việc của hai nhà lãnh đạo, nhưng giới quan sát dự kiến nó sẽ theo sát lịch trình của Hội nghị năm ngoái. Reuters dẫn lời một quan chức Chính phủ Mỹ cho hay, Hội nghị tại Hà Nội sẽ giống như Hội nghị tổ chức ở Singapore, bắt đầu bằng một cuộc gặp riêng, sau đó là một bữa tiệc cùng các cố vấn và cuối cùng là các vòng họp mở rộng.

Với lịch trình dự kiến như vậy, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau ít nhất là 5 lần tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, nếu hai nhà lãnh đạo đạt được một thỏa thuận như mong muốn, họ có thể tổ chức một cuộc họp báo chung trước báo giới quốc tế. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim từng tổ chức cuộc họp báo chung tại làng đình chiến Panmunjom và ở Bình Nhưỡng sau các kỳ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức vào tháng 4 và tháng 9 năm ngoái. Ở Singapore vào năm ngoái, chỉ có Tổng thống Trump tổ chức họp báo.

Kỳ vọng ngày càng tăng

Cuộc gặp riêng đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo được dự kiến sẽ định hình bầu không khí cho các sự kiện diễn ra sau đó. Bởi vậy, cuộc gặp này mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong Hội nghị lần này, ông Trump và ông Kim sẽ phải đưa ra thêm chi tiết về những cam kết mà họ đạt được trong Tuyên bố chung Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, trong đó hai bên nhất trí hướng tới “giải giáp hạt nhân toàn diện”, thay đổi mối quan hệ Washington-Bình Nhưỡng và chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Kể từ sau Hội nghị đầu tiên, tiến trình thực hiện các cam kết này đã bị chững lại do sự khác biệt về việc định nghĩa cụm từ “giải giáp hạt nhân” của hai bên. Trong khi Washington muốn Bình Nhưỡng giải giáp hạt nhân trước và vô điều kiện, thì Bình Nhưỡng lại muốn Washington gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt.

Một trong những tiêu điểm trong Hội nghị lần này chính là, liệu hai nhà lãnh đạo có thể đưa ra được tuyên bố chung kêu gọi các bước đi vững chắc hướng tới giải giáp hạt nhân hay không, kèm theo đó là các hành động cụ thể của Washington trong việc nhượng bộ Bình Nhưỡng.

Theo Yonhap, mong muốn của Bình Nhưỡng hiện nay chính là chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và ngừng các cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Và “con bài” đàm phán mà họ có thể đem ra chính là khu phức hợp hạt nhân Yongbyun.

“Có được một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ giúp lãnh đạo Triều Tiên làm được việc mà những đời lãnh đạo trước đó chưa làm được. Điều đó sẽ giúp ông củng cố được quyền lực, đồng thời cho phép ông chuyển hướng tập trung sang phát triển nền kinh tế nước nhà” - Jean H. Lee, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Triều Tiên và Chính sách công Hàn Quốc, nhận định.

Trong khi đó, theo giới chức Mỹ, ưu tiên hàng đầu của Washington là “đóng băng” chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Mỹ cũng muốn Triều Tiên giải trừ các cơ sở ở Yongbyon và vạch ra lộ trình hướng tới giải giáp hạt nhân toàn diện.

“Đối với Tổng thống Trump, chỉ có một con đường duy nhất đạt được thành công trong Hội nghị lần này: Triều Tiên chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy mối quan hệ an ninh tốt đẹp hơn, và một nền kinh tế phát triển” - Adam Mount, Giám đốc Dự án Viễn cảnh quốc phòng (Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ) nhận định.

Theo giới quan sát, lãnh đạo Kim Jong-un có thể kêu gọi Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Họ cũng không loại trừ khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung - điều mà ông Trump thường làm sau những kỳ Hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo thế giới.

“Ông Kim dường như đang có 2 mục tiêu chiến lược. Một trong số đó là duy trì vũ khí đánh chặn chiến lược để đảm bảo an ninh quốc gia. Bởi vậy, hai nước cần phải xây dựng được lòng tin thực sự mới có thể đảm bảo được một thỏa thuận vững chắc”- Tong Zhao, chuyên gia phân tích thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân của Hãng Carnegie, nhận định.

* Hôm 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thể hiện sự kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đạt được “bước tiến mới” trong tiến trình giải giáp hạt nhân và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. “Năm nay, cả thế giới đang đứng trước hy vọng và thách thức. Đặc biệt, tuần này là khoảng thời gian quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế”- ông Vương Nghị nói - “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ diễn ra và chúng ta kỳ vọng vào bước tiến mới trong giải giáp hạt nhân và thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

* Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Việt Nam bằng chuyên cơ riêng trong hôm 26/2, hoan nghênh kỳ họp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới là một “cơ hội quan trọng” để giải giáp hạt nhân và thiết lập hòa bình. “Đã tới Việt Nam để cùng Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên. Đây sẽ là cơ hội quan trọng để đạt tiến triển trong các cam kết ở Hội nghị tại Singapore liên quan tới việc thay đổi quan hệ Mỹ-Triều, xây dựng hòa bình và giải giáp hạt nhân toàn diện”- ông Pompeo viết trên Twitter.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình hướng tới hòa bình, thịnh vượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO