Hậu quả từ những bài thuốc không rõ nguồn gốc

Đức Trân 21/12/2022 08:11

Thuốc nam từ lâu vẫn được người dân dùng để điều trị bệnh và cho rằng thuốc chế biến từ cỏ cây thì vô hại. Thế nhưng, nhiều trường hợp đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì quan niệm này.

Bệnh nhi phải chạy thận nhân tạo vì cha mẹ tin dùng thuốc nam.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viện đang điều trị cho bé trai T.X.H. (6 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt, có nguy cơ quá tải dịch. Khai thác tiền sử, các bác sĩ phát hiện suốt 2 tháng qua trẻ có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân nhưng gia đình không cho trẻ đi khám mà tự ý điều trị bằng thuốc nam và châm cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng. Bệnh tình của trẻ không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn, trẻ mệt mỏi, tiểu ít, tăng cân nhanh bất thường (tăng đến 6 đến 7kg - tức khoảng 20% cân nặng trong một thời gian ngắn).

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chẩn đoán lâm sàng và làm một số xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư tiên phát và được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu - Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ của hội chứng thận hư tiên phát không đơn thuần, sau 2 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã dần ổn định.

Không may mắn như trường hợp trên, cháu bé N.A. (15 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến lên Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, gia đình phát hiện chân trẻ bị phù nên cho trẻ đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán là mắc hội chứng thận hư. Gia đình về điều trị tại bệnh viện địa phương, nhưng do thấy kết quả chưa được như mong muốn nên đã không tuân thủ phác đồ của bác sĩ mà tự ý chuyển sang dùng thuốc nam và cả thuốc bắc. Được khoảng 2 tháng thì thấy sức khỏe trẻ ngày một yếu đi, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Đầu tháng 12, trẻ suy hô hấp, tăng huyết áp phải thở ô xy để chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương điều trị. Ngay khi tiếp nhận, trẻ đã được các bác sĩ Khoa Thận và Lọc máu tiến hành làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, điện tim và chạy thận cấp ngay trong đêm để đảm bảo tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin: “Do bệnh nhi A. đã suy thận mạn 3 tháng nay không uống thuốc đều và dùng thuốc nam nên tình trạng rất nặng, sẽ phải chạy thận nhân tạo trong khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang lọc màng bụng. Trẻ vẫn có cơ hội được chữa trị nhưng sẽ là một cuộc chiến lâu dài và cần được thay thế thận”.

Một thực tế đáng nói, 2 trường hợp nói trên không phải là hãn hữu. Dù đã được cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc nam trong nhiều năm qua thế nhưng, rất nhiều người dân vẫn sẵn sàng từ bỏ phác đồ điều trị của các bác sĩ tại những cơ sở y tế lớn, có uy tín để chọn cách tin vào bài thuốc của các “ông lang”, các “bác sĩ google” hay những phương thức chữa bệnh truyền miệng. Nghịch lý ở chỗ, không ít người băn khoăn tới ảnh hưởng của việc dùng thuốc Tây y tới sức khỏe, nhưng khi dùng thuốc nam, họ còn không bận tâm đến nguồn gốc xuất xứ của những liều thuốc này, hậu quả là không ít trường hợp đã phải trả giá bằng tính mạng vì niềm tin đặt sai chỗ.

Theo bác sĩ Vũ Đức Nin - Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh, tâm lý sợ can thiệp phẫu thuật là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh e ngại khi đến bệnh viện và thường có xu hướng tìm đến thuốc đông y với mong muốn tìm cách điều trị nhẹ nhàng, hiệu quả. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh diễn biến nặng, bỏ lỡ cơ hội điều trị triệt để.

Các bác sĩ khẳng định, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu y học nào chứng minh thuốc nam có thể điều trị khỏi bệnh ung thư. Vì vậy, người bệnh ung thư cần kiên trì, tin tưởng điều trị theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa, thực hiện sinh hoạt, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học, tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, tránh tiền mất tật mang, bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị hiệu quả bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc; không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu quả từ những bài thuốc không rõ nguồn gốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO