Hệ cao đẳng 'mắc kẹt'

Đoàn Xá 27/02/2017 08:30

Với rất nhiều các thay đổi trong quy chế tuyển sinh và quản lý mà nổi bật là chuyển cơ quan chủ quản về Bộ LĐ,TB&XH, hệ thống các trường cao đẳng đang có nguy cơ bị mắc kẹt ở giữa hệ đại học và trung cấp vì rất nhiều lý do khác nhau. Trong đó, tiêu biểu là thời gian đào tạo lâu, khó khăn trong tuyển sinh, cũng như tâm lý thích học đại học hiện nay.

Một hiệu trưởng trường cao đẳng ở TP HCM cho biết, nếu các trường trung cấp nghề có thể dễ dàng tuyển sinh thông qua các hội nghề nghiệp thì trường cao đẳng khó hơn, vì nếu đã đi học nghề, người ta sẽ chọn hệ trường trung cấp.

Theo quy chế năm 2017, khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia các thí sinh đều phải ghi nguyện vọng tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ mà mình mong muốn. Tất nhiên, việc mong muốn vào ĐH sẽ phải là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, với việc chỉ tiêu ngày càng nhiều, quy chế tuyển sinh dễ dàng, thí sinh không quá khó vào đại học. Vì vậy, đối tượng để các trường cao đẳng tuyển sinh là rất ít, hạn hẹp.

Ngoài ra, do hệ thống trường cao đẳng mới thay đổi cơ quan chủ quản nên việc thông tin tới người học cũng chưa thông suốt. Bộ LĐ,TB&XH tất nhiên không có hệ thống chiêu sinh và tiếp cận sinh viên như Bộ GD&ĐT nên các trường CĐ gặp nhiều bất lợi.

Thậm chí, hàng loạt trường đại học trên địa bàn TP HCM có tuyển sinh hệ cao đẳng những năm trước nay đã “dứt tình”, bỏ không đào tạo nữa. Xa hơn một chút, nếu từ mùa tuyển sinh sang năm, khi Bộ GD&ĐT bỏ cơ chế điểm sàn, các trường CĐ còn phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn nữa.

Có thể nói, với thời gian đào tạo trung bình là 3 năm, hệ CĐ đang gặp nhiều bất lợi khi đứng giữa hệ trung cấp nghề và ĐH. Thậm chí, hướng đi và cách phân luồng dành cho hệ này cũng đang gặp nhiều trục trặc.

Thay vì học hết cấp THCS (lớp 9) là đi học trung cấp nghề để có thể ra trường đi làm với một tay nghề ổn định thì người học CĐ phải trải qua kỳ thi THPT Quốc gia.

Tuy nhiên, cơ quan chủ quản lại không có chính sách phân luồng các thí sinh dành cho hệ CĐ một cách triệt để bởi mô hình gần như “thả lỏng” là rớt ĐH thì tiếp tục đăng ký tới học các hệ CĐ. Thế nhưng hiện nay, việc thí sinh rớt ĐH rất ít càng khiến cho các trường CĐ thêm phần khó khăn.

Và nếu khi Bộ chủ quản bỏ cơ chế điểm sàn, có thể đó là lúc hệ CĐ cũng sẽ không còn duy trì được nữa vì không còn thí sinh đăng ký để học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ cao đẳng 'mắc kẹt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO