Hiểm họa khi sưởi ấm bằng bếp than

Linh Linh 05/12/2020 13:29

Từ xa xưa, con người đã biết dùng củi đốt giữ lửa, nấu ăn, sau đó làm than củi để sưởi khi đông về.  Tuy nhiên, khi dùng than củi để sưởi trong môi trường không khí ít lưu thông (trong nhà, diện tích hẹp…) sẽ sinh ra chất CO rất độc, ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể: tim, não, di chứng thần kinh, tâm thần,  thậm chí tử vong…

Sự nguy hiểm của việc đốt củi, than tổ ong để sưởi ấm đã rõ, thế nhưng có không ít người dân, các hộ gia đình vẫn dùng cách sưởi ấm này.

Theo các nhà khoa học, dùng than để sưởi ấm trong phòng đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong phòng kín. Khí ô-xy bị tiêu thụ nhiều để đốt cháy và khí CO và CO2 thoát ra vô cùng độc hại nếu hít phải. Ngạt khí, máu không thể lên não sẽ dẫn đến bất tỉnh hoặc chết người.

Nên dùng quạt sưởi để sưởi ấm thay cho bếp than.

Khí CO thoát ra trong quá trình đốt than không mầu, không mùi cho nên nhiều người không biết, dần cảm thấy khó thở rồi ngất đi, hoặc lịm đi ngay khi đang ngủ. Nếu không có người phát hiện sớm để xử lý tình huống cũng như sơ cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới chết người.

Cho dù bị ngộ độc khí có thể không nguy hiểm tới tính mạng thì cũng dễ mắc các bệnh hô hấp như hen, viêm phế quản, viêm phổi, suy tim mạch, tổn thương não, mất trí nhớ, thoái hóa não, trí tuệ sa sút, mất khả năng làm việc… Khi bị ngộ độc khí CO, các biến chứng có thể xảy ra là tràn khí vào màng phổi, màng bụng, trung thất, dưới da, hẹp khí quản…

Phương pháp sưởi ấm bằng củi, than tổ ong là đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu hoặc chưa hoàn thiện. Ngoài ra, khi đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn hoặc bỏng nặng do va phải chậu than hoặc có vật bắt lửa ở chung quanh.

Các dấu hiệu ngộ độc khí CO

Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi.

Đau ngực, khó tập trung.

Nhìn mờ, khó thở khi gắng sức, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ.

Mất định hướng, co giật, hôn mê.

Rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim.

Tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.

Bệnh nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường…

Phương pháp xử trí khi bị ngộ độc than củi

Mở rộng cửa, làm thoáng khí.

Gọi cấp cứu 115.

Đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.

Hà hơi, thổi ngạt.

Đưa bệnh nhân đến bệnh viện…

Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người dân không dùng các loại than để sưởi trong phòng kín; không nên dùng lò nướng, bếp gas để sưởi. Thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi, hệ thống thông hơi. Không đặt máy phát điện ở nơi kín như tầng hầm, nhà để xe hoặc để gần cửa phòng ở.

Nếu có điều kiện, gia đình nên mua thiết bị phát hiện khí CO (carbon monoxidee detecter) để trong nhà. Ở nơi làm việc có khí CO như lò gạch, lò luyện kim, xưởng máy... phải đo nồng độ CO định kỳ và có biện pháp xử lý để nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa khi sưởi ấm bằng bếp than

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO