Hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ

Văn Nhất 30/07/2015 15:20

Nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, đánh bắt xa bờ và để tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác. Sáng ngày 30/7, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực Miền Trung".

Hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ

Quang cảnh diễn đàn

Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tuy hình thành muộn, nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh về số lượng tàu cá, sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ. Tuy phát triển nhanh, nhưng ngành sản xuất cá ngừ vẫn bộc lộ một số bất cập: tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu thủ công, lạc hậu; tổ chức sản xuất trong khai thác thiếu chặt chẽ; hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm phân tán, chưa được kiểm soát...

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Trong những năm qua, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng ngành khai thác hải sản xa bờ ở nước ta đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động khai thác thủy sản về cơ bản vẫn nặng tính truyền thống, quy mô nhỏ nên ảnh hưởng đến sản lượng khai thác cũng như tính an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Hơn 99% tàu cá Việt Nam vẫn là tàu vỏ gỗ, nhỏ; 90% động cơ cũ, tỉ lệ thất thoát 25 -30%, nhiều tàu chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, các thiết bị tin học, viễn thông. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là đánh bắt xa bờ. Cả nước hiện có khoảng 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề. Số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ chiếm 30%; số tàu công suất thấp (dưới 90cv) khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%), nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững tối đao theo dự báo.

Tuy cả nước đã hình thành gần 4000 tổ, đội sản xuất với hàng trăm nghìn lao động trên biển nhưng mức độ liên kết chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ khai thác còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, xuống cấp dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất.

Hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ - 1

Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác,
đánh bắt xa bờ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế Biển

Nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo sự đột phá cho ngành khai thác hải sản xa bờ như: Quyết định 393/1997/QĐ-TTg về vay vốn tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ, giai đoạn hỗ trợ từ 1997-2000; Quyết định số 289/QĐ-TTg về việc ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân – trong đó có hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ dầu; Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; Hỗ trợ trang thiết bị thông tin và mới đây nhất là Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 99% tàu cá Việt Nam vẫn là tàu gỗ, thiết kế dân gian, không gắn kết với các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chưa tiếp cận được với các công nghệ, các thiết bị tin học, viễn thông hiện đại. Mặt khác, đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là nghề đánh bắt xa bờ.

Bởi thế, để nâng cao hiệu quả nghề khai thác trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đã đề xuất Chính phủ trang bị các máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị đối với tàu cá xa bờ, hỗ trợ đóng mới tàu cá vỏ gỗ, thép, vật liệu mới, đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và bảo quản thủy sản. Bên cạnh đó, chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Diễn đàn đã tạo cơ hội để các đại biểu thảo luận về các chính sách, những kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong ngành khai thác hải sản xa bờ thời gian qua và định hướng, nghiên cứu khoa học lĩnh vực này thời gian tới. Nhiều tham luận của các nhà khoa học và địa phương chia sẻ về ứng dụng các thiết bị điện tử hàng hải trên đội tàu khai thác hải sản xa bờ; hiện đại hóa tàu cá và công tác dự báo ngư trường; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới để bảo quản sản phẩm trên tàu; hiệu quả sử dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ; ứng dụng kỹ thuật khai thác hải sản bằng lồng bẫy cải tiến… Bên cạnh đó, các ngành chức năng, Ban cố vấn, các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật đã tư vấn, trả lời, giải đáp những thắc mắc của ngư dân trong khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường về vùng biển, cũng như hướng dẫn cho bà con ngư dân, cán bộ khuyến nông áp dụng các tiến bộ khoa học vào khai thác hải sản xa bờ, lắp đặt thiết bị trên tàu, bảo quản sản phẩm hải sản, thông tin liên lạc, đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ… góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO