Hiến kế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Minh Trang (thực hiện) 27/04/2016 08:39

Hiện nay đất nước ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và số doanh nghiệp trên đầu dân là 180 người dân doanh nghiệp, so với các nước trong khu vực con số này còn thấp. 

Tôi hy vọng trong cuộc gặp tới Thủ tướng sẽ đưa ra được thông điệp, định hướng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp theo hướng Chính phủ kiến tạo và bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp. TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

Ông Vũ Tiến Lộc.

PV:Thưa ông, tại sao VCCI gửi bức tâm thư cho Thủ tướng đề nghị “Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp” vào cuối tháng 4?

TS. Vũ Tiến Lộc: Đây là cơ hội để toàn dân, toàn cộng đồng doanh nghiệp hiến kế với Chính phủ về giải pháp phát triển, xây dựng hệ thống thể chế chính sách thật tốt như bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó chúng ta phải đề ra khung hành động cải cách thể chế 5 năm, chương trình phát triển doanh nghiệp trong 5 năm. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiến kế xây dựng một chương trình hành động cho toàn khoá cũng như tập trung xử lý những vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Tôi hy vọng trong cuộc gặp tới Thủ tướng sẽ đưa ra được thông điệp, định hướng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp theo hướng Chính phủ kiến tạo và bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp.

VCCI có đề xuất kế hoạch 5 năm (2016-2020) nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia để cả nước tập trung sức phát triển. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

- Muốn thúc đẩy kinh tế phải thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp phát triển. Hiện nay đất nước ta mới có 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và số doanh nghiệp trên đầu dân là 180 người dân/doanh nghiệp. Ở các nước khác 15-20 người dân đã có 1 doanh nghiệp.

Chính vì vậy tập trung sức phát triển doanh nghiệp là một yêu cầu quan trọng trong thời gian tới, phải tạo ra bước đột phát trong nhiệm kỳ 5 năm này. Bởi đây sẽ là thời kỳ chúng ta hội nhập mạnh mẽ và cũng là thời kỳ chúng ta thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 với yêu cầu cải cách mạnh mẽ thể chế và thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp phát triển.

Cho nên VCCI rất mong muốn có chương trình quốc gia cho cả 5 năm và 5 năm cả nước thúc đẩy doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo nên bước đột phá phát triển kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam.

VCCI và cộng đồng doanh nghiệp muốn kiến nghị và hiến kế điều gì tới cơ quan Chính phủ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh?

- Trước hết VCCI kiến nghị với Chính phủ là trong 5 năm tới cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp. Nên xây dựng chương trình quốc gia về xây dựng doanh nghiệp. Bên cạnh đó thì xây dựng được một khung cải cách thể chế trong 5 năm và cũng đề ra được biện pháp cần làm ngay để thúc đẩy doanh nghiệp.

Việc cần làm ngay là rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính của môi trường kinh doanh theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và tinh thần của Nghị quyết 19, trên cơ sở loại bỏ ngay điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, những thủ tục không cần thiết.

Vấn đề thứ hai là cần phải có biện pháp đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bằng mọi cách và có giải pháp để giải quyết nợ xấu thực sự để trên cơ sở đó có thể hạ được lãi suất ngân hàng xuống mức tương đương với các nước khác ở trong khu vực.

Phải có biện pháp để hướng được nguồn vốn của ngân hàng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chứ không phải chỉ dành vào những lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh có tính chất ngắn hạn. Tôi nghĩ cần nâng cấp Nghị quyết 19 thành một nghị quyết ở tầm Quốc hội để trên cơ sở đó tăng cường sự tham gia, sự giám sát của Quốc hội vào tiến trình cải cách thể chế. Khi có sự chung tay giữa Quốc hội và Chính phủ cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh hơn.

Nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta cần những động lực nào để hướng tới mục tiêu có được 1,5-2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020?

- Chính phủ đã xác định rõ ràng, doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế và muốn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thì phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trước hết phải lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh để người dân yên tâm bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, không hình sự hoá quan hệ dân sự.

Việc đưa ra thông điệp và sự an toàn của môi trường kinh doanh là một điều quan trọng. Và điều thứ hai chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để làm sao cho họ tiến hành hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi trên cơ sở thủ tục đơn giản nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến kế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO