Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng kêu gọi liên kết xét tuyển

Hàn Minh - Mai Tuyết Nhung 25/05/2016 07:05

Chương trình xét tuyển đã được chạy thử, kết quả tốt

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng kêu gọi liên kết xét tuyển

Ảnh minh họa.

Trước thông tin về việc kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT hướng đến việc xét tuyển ĐH, CĐ tập trung trên tinh thần tự nguyện của các trường ĐH, CĐ, Hiệp hội hoàn toàn ủng hộ. Hiệp hội kêu gọi các trường ĐH, CĐ trước hết là các trường hội viên mạnh dạn đứng ra làm nòng cốt tổ chức các nhóm xét tuyển sinh chung hoặc hăng hái tham gia vào các nhóm đó, vì lợi ích thực sự của thí sinh và của xã hội, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Hiệp hội cùng với Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ cho các nhóm trường những tư vấn cần thiết để lựa chọn phương án xét tuyển sinh và cung cấp miễn phí cho các nhóm phần mềm xét tuyển sinh tiện dụng nhất. Hiệp hội mong các trường ĐH, CĐ nhiệt tình hưởng ứng đề nghị này để đảm bảo sắp tới sẽ có một mùa tuyển sinh yên bình, ít tốn kém.

Liên quan đến phần mềm xét tuyển chung, theo Hiệp hội, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương cho phép các trường có thể xét tuyển theo nhóm để làm giảm các trường hợp “ảo” trong điều kiện là thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường. Vì vậy, Hiệp hội đã giới thiệu “chương trình xét tuyển” có nền tảng là thuật toán chấp nhận trì hoãn do D. Gale và S. Shapley đưa ra năm 1964. Sau đó, tác giả A. Roth đã phát triển thuật toán này và áp dụng trong việc tuyển sinh các trường trung học ở Mỹ, điều tiết thị trường bác sĩ mới tại Mỹ, Anh và nhiều nước khác; nhờ đó đã được nhận giải Nobel về kinh tế năm 2012 cùng với Shapley.

Chương trình xét tuyển này có các tính chất ưu việt là thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác. Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất có thể được trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh.

Các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo ĐHQG Hà Nội, có sơ tuyển…); thời gian xét tuyển nhanh. Đặc biệt, Hiệp hội cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT cho phép (chẳng hạn từ năm sau), thí sinh có thể đăng ký nhiều hơn 4 nguyện vọng (ví dụ 10 nguyện vọng), chương trình vẫn xử lý tốt.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã mời một đơn vị xây dựng một chương trình xét tuyển cốt lõi chính là thuật toán nêu trên. Bộ đã chuyển cho các trường phần mềm này để sử dụng (trong phạm vi từng trường) trong kỳ tuyển sinh năm 2015 và được các trường đánh giá tốt. Sau kỳ tuyển sinh 2015, Bộ đã dùng chính dữ liệu của kỳ tuyển sinh để chạy thử lại chương trình và thu được kết quả tốt.

Càng nhiều trường tham gia càng giảm ảo

Về biện pháp chống ảo, Hiệp hội cho rằng hiện nay các trường thường đối phó với “ảo” bằng cách gọi lượng thí sinh dôi ra để “trừ hao”, có khi gọi quá đến 50%, thậm chí còn nhiều hơn. Hậu quả là có trường tuyển vượt quá chỉ tiêu đăng ký rất nhiều (Bộ GD&ĐT khó phạt), gây khó khăn cho bản thân trường trong tổ chức đào tạo và đặc biệt là góp phần làm cho một số trường tuyển được rất ít so với chỉ tiêu đăng ký.

Nhưng nếu xét tuyển theo nhóm thì tỷ lệ “ảo” sẽ giảm vì thí sinh chỉ trúng tuyển nhiều nhất một nguyện vọng trong nhóm, dù đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường trong nhóm. Càng nhiều trường tham gia vào các nhóm thì càng bớt được “ảo”. Trường hợp tối ưu là tất cả các trường đều thuộc một nhóm, khi đó hiện tượng “ảo” bị triệt tiêu hoàn toàn.

Tuy nhiên, không thể bắt buộc các trường vào một nhóm vì điều đó làm mất quyền tự chủ của các trường. Mỗi trường phải tự quyết định có tham gia nhóm hay không và tham gia nhóm nào. Nếu tham gia, mỗi trường có thể cử đại diện theo dõi và kiểm tra mọi khâu trong quá trình xét tuyển.

Về cách xử lý tình trạng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, Hiệp hội cho rằng, mỗi trường có thể đưa thêm tiêu chí phụ cho từng mã xét tuyển. Còn về cách xử lý trường hợp tuyển không đủ chỉ tiêu thì kết thúc mỗi đợt xét tuyển, các trường tổng kết và xác định số chỉ tiêu cần tuyển tiếp đối với mỗi mã xét tuyển, công bố để thí sinh đăng ký, sau đó chương trình xét tuyển lại được thực hiện. Việc thực hiện cộng điểm ưu tiên cũng không có khó khăn gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng kêu gọi liên kết xét tuyển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO