Hiểu lòng dân để giám sát, phản biện

Trung Hiếu 08/11/2019 08:00

Thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị, những năm qua, MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể huyện Thạch An (Cao Bằng) đã triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trên cơ sở nắm bắt tình hình dư luận xã hội, Mặt trận đã phản ánh đến cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân

Hiểu lòng dân để giám sát, phản biện

Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được MTTQ huyện Thạch An triển khai giám sát chặt chẽ. Ảnh: Ngọc Dung.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch An Nông Thanh Toại cho biết, để phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, trên cơ sở nắm bắt tình hình dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân, MTTQ các cấp chủ động lựa chọn những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc để phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì tổ chức khoảng 30 cuộc giám sát. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức giám sát trực tiếp về tình hình triển khai thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Minh Khai; giám việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại xã Kim Đồng; giám sát trực tiếp việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại thị trấn Đông Khê và xã Lê Lai; …

Kết thúc các cuộc giám sát Uỷ ban MTTQ huyện đã ban hành thông báo kết quả giám sát và các ý kiến kiến nghị đều được các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu, xem xét điều chỉnh bổ sung.

Ngoài việc chủ trì tổ chức các hoạt động giám sát, Uỷ ban MTTQ huyện thường xuyên phối hợp với HĐND huyện tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương; chương trình hỗ trợ hộ nghèo; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện quy hoạch; thực hiện chế độ chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số...

Còn tại các địa phương để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn đã kiện toàn 16 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) với 165 thành viên. Qua hoạt động các Ban TTND đã thực hiện giám sát 64 cuộc, phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết một số vụ việc góp phần phát huy dân chủ trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương . Cùng với đó, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) đã tổ chức giám sát 64 công trình, dự án triển khai trên địa bàn xã, thị trấn. Những kiến nghị của Mặt trận sau giám sát đã được các đơn vị kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch MTTQ huyện Thạch An cũng thẳng thắn cho rằng, công tác giám sát và phản biện xã hội của địa phương vẫn còn còn một số hạn chế. Trong đó, một số đơn vị cơ sở còn lúng túng trong việc phối hợp, triển khai, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Một hạn chế khác đó là năng lực, trình độ, kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cấp cơ sở.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ông Nông Thanh Toại cho rằng, MTTQ các cấp cần chủ động nắm bắt tình nhân dân từ đó lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện. Bên cạnh đó thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; phát huy chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu lòng dân để giám sát, phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO