Hiệu quả từ mô hình 'lúa, tôm'

Nguyên Du 11/02/2022 08:40

Thời gian qua nhiều tỉnh, thành vùng ven biển vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang...đã tích cực triển khai chương trình, vận hành và quản lý hiệu quả mô hình canh tác lúa-tôm, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất (bình quân 90 triệu đồng/ha, tỉ suất lợi nhuận 252%, trong đó thu nhập từ lúa chiếm 23,1%, thủy sản chiếm 76,9%; mô hình sản xuất với lúa ST24, thu nhập tăng đến 40,4%). Lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận/ha đất canh tác mô hình lúa tôm được cải thiện rõ nét.

Mô hình lúa tôm đã được khẳng định tính hiệu quả, năng suất và giá trị gia tăng so với độc canh cây lúa.

Tại hội thảo “Phát triển triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng MeKong”, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10/2, nhiều ý kiến cho rằng, ghi nhận từ những con số cụ thể cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình lúa-tôm đã được khẳng định và hiện còn dư địa phát triển khá lớn, cần tiếp tục nhận rộng.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2001, tỉnh bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình tôm-lúa. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm-lúa trong giai đoạn này khá nhanh, từ 5.851ha sản xuất ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020. Đến năm 2021 diện tích tiếp tục phát triển và mở rộng. Hiện nay thu nhập đạt trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận: Trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm-lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng, đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất.

“Có thể nói mô hình tôm-lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, là mô hình “thông minh” tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…” - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Nông dân Phạm Chí Mến, ngụ tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Gia đình tôi đã trồng được 5 vụ lúa ST trong mô hình lúa tôm. Cái được nhất của việc trồng lúa ST là năng suất và giá thành ổn định. Từ khi áp dụng không chỉ riêng tôi mà nhiều nông dân trong khu vực rất phấn khởi. Hiện nay, mô hình cho tổng nguồn thu khoảng 170 triệu/10 công (mỗi công gần bằng 1.300m2)”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu và nhà khoa học nhìn nhận, sau nhiều năm thực hiện mô hình, hiện nay nông dân đã áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất. Đặc biệt, mô hình tôm-lúa tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững. Từ đó cho ra sản phẩm an toàn đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay; đó là cơ sở để mở rộng diện tích tôm-lúa cho những năm tiếp theo.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng nhìn nhận, hiện nay hiệu quả của mô hình tôm lúa là rất rõ. Tuy nhiên, vấn đề cần phải quan tâm là tổ chức quy hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm và tính ổn định của mô hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả từ mô hình 'lúa, tôm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO