Hiệu quả xã hội hoá đầu tư cảng biển

Hạnh Nhân 22/06/2021 07:29

20 năm thực hiện quy hoạch cảng biển, Việt Nam đã hình thành được một hệ thống cảng biển hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự thay đổi ấn tượng nhờ chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay Việt Nam có 45 cảng biển và 263 bến cảng, với tổng chiều dài khoảng 89 km. Đặc biệt, với việc đầu tư trọng tâm ở phía Nam là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, phía Bắc là cảng nước sâu Lạch Huyện cộng với các giải pháp để đón được các tàu có trọng tải lớn, Việt Nam bước đầu đã hình thành và có tốc độ phát triển rất nhanh 2 cảng biển nước sâu có năng lực đón các tàu chạy biển tuyến xa (tàu mẹ) đi bờ Tây nước Mỹ, châu Âu. Nếu như khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2000 chỉ đạt gần 82 triệu tấn thì đến nay, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 630 triệu tấn, tăng gần gấp 8 lần.

Cùng với đó, sản lượng vận tải của đội tàu Việt Nam cũng không ngừng gia tăng. Từ năm 2015 đến nay, đội tàu biển Việt Nam đã đảm nhận hầu hết lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, gần 10% hàng hóa xuất nhập khẩu…Kết quả này là nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển được chú trọng phát triển trong thời gian qua.

Thông tin về quy hoạch cảng biển giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, quy hoạch cảng biển cho 10 năm tới và tầm nhìn 30 năm đã cơ bản hoàn thành với mục tiêu là quy hoạch cảng biển phải đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Làm thế nào để quy hoạch được triển khai theo đúng lộ trình tránh như giai đoạn trước, ở một vài nơi có hiện tượng cung vượt quá cầu gây lãng phí nguồn lực. Một điểm quan trọng là trong quy hoạch lần này đã tính tới sự kết nối giao thông. Hiện nay, kết nối giao thông tại một số nơi, khu vực chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển, nhu cầu cảng biển. Tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải khi phải gánh cả giao thông đô thị làm xung đột giao thông với cảng biển như tại các cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng, TP HCM, Hải Phòng.

Để khắc phục tình trạng trên quy hoạch cảng biển sẽ phải tính đến sự phù hợp với quy hoạch đô thị để đảm bảo sự kết nối giao thông với cảng biển được tốt nhất. “Định hướng sắp tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu, đẩy mạnh đầu tư trọng tâm, trọng điểm cũng như thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác kết hợp với ngân sách nhà nước” - ông Sang khẳng định.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt khoảng 202 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 20,6% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư huy động đầu tư cho ngành hàng hải ngoài ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn, đạt hơn 173 nghìn tỷ, chiếm xấp xỉ 86% tổng số vốn đầu tư.

Trong đó, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: Tập đoàn DP World - UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT - TP Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng),…

Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ việc hàng hóa xuất khẩu phải trung chuyển ở một nước thứ ba, đến nay, khu vực phía Bắc Việt Nam đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; Phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (sau Malaysia và Singapore).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Bộ sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển với sự hỗ trợ của Nhà nước về cấp đất, ưu đãi thuế, vốn vay... cũng như triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả các đề án xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển đã được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả xã hội hoá đầu tư cảng biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO