Hiệu ứng từ một cuộc bình chọn

Duy Phương 02/03/2017 07:30

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có buổi công bố cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016. Trong đó có 30 quy định được đề cử là tốt và 30 quy định được đề cử là tồi. Những quy định được cho là không tốt chủ yếu rơi vào các văn bản dưới luật, đó là các Thông tư, Nghị định… Cuộc bình chọn các quy định tốt, xấu của VCCI đã nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận xã hội, cộng đồng DN cũng như giới chuyên gia; tuy rằng vẫn có ý kiến khác.

Một số ý kiến cho rằng, cuộc bình chọn của VCCI đáng lẽ chỉ nên nhắm vào các đề cử quy định tồi, không nên và cũng không cần thiết đưa ra các quy định tốt, bởi đó là điều tất yếu mà một cơ quan có vai trò, nhiệm vụ xây dựng chính sách phải làm được. “Anh là người xây dựng chính sách, anh phải nắm được tính hiệu quả của nó, anh không thể cứ xây “theo ý mình” còn không quan tâm đến tính khả thi, sự tác động của nó đến xã hội ra sao”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một người không thực sự đồng tình với việc vẫn có cả bình chọn quy định tốt, đưa ra đánh giá trong cuộc bình chọn lần này.

Vì theo vị chuyên gia này, trong một văn bản có tính chất điều chỉnh hành vi hay nói cách khác, mang tính chất quy phạm pháp luật cao, chỉ cần sai hoặc thiếu hợp lý ở một chi tiết nào đó có thể khiến cả một guồng máy chạy sai và dẫn đến những hệ lụy xấu cho cả xã hội.

Một bằng chứng rất rõ đó là các quy định được đưa ra ở Thông tư 20 về nhập khẩu xe ôtô. Trong suốt thời gian kể từ khi được ban hành, Thông tư này đã khiến cho nhiều DN trong ngành ôtô rơi vào cảnh “dở sống dở chết”.

Một chính sách nữa cũng “có vấn đề”- đó là quy định về nước thải chăn nuôi loại A phải đạt được độ sạch đến mức người cũng có thể uống được. Hay yêu cầu về phương tiện phòng cháy chữa cháy trên ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên trong khi thiết kế của ôtô không hề có chỗ cho việc lắp đặt bình cứu hỏa…

Lãnh đạo một DN khi nói về hàng loạt những quy định được nằm trong danh mục “quy định tồi” đã thẳng thắn đưa ra nhận định rằng: “Nhà quản lý soạn thảo những quy định này không bao giờ đứng ở vị trí của DN, người dân để xây dựng chính sách mà “ông” đang xây dựng chính sách dựa trên cảm tính, nói thẳng ra là ông “đút chân gầm bàn” để xây dựng chính sách”. Và vị này cũng đề nghị các nhà làm chính sách cần thâm nhập vào thực tế, đặt mình vào DN để biết, để hiểu và đồng cảm với DN, để từ đó đưa ra những chính sách nhằm hỗ trợ DN chứ không phải là những mệnh lệnh “hành là chính”.

Ai đó đã ví von rằng, môi trường kinh doanh là một cơ thể sống, còn chính sách là liều thuốc để duy trì cơ thể đó khỏe mạnh. Và “liều thuốc” đó phải được điều chế với những nguyên liệu tốt nhất giúp “chữa bệnh” cho xã hội chứ không nên khiến cho cơ thể đó yếu hơn.

Vậy nên, một điều quan trọng đã được đúc rút ra cuộc bình chọn lần này, đó chính là người xây dựng chính sách cần phải đứng ở cả hai phía, cả công cụ quản lý lẫn đối tượng chịu sự quản lý… để có thể tạo nên những phương thuốc cực kỳ hữu hiệu nhằm duy trì một môi trường kinh doanh thực sự “khỏe”.

TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi nhận định về các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, đã rất thẳng thắn cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất ít khi nói về mục tiêu, chỉ tạo sự thuận lợi cho quản lý nhà nước. Trong khi quản lý nhà nước không phải là mục tiêu của các quy định. Không ít các quy định pháp luật hiện nay thiếu cơ sở thực tiễn… và còn nhằm mục đích bảo vệ lợi ích, thẩm quyền của ai đó. Bởi thế các quy định đặt ra không đạt được mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh công bằng mà còn làm hạn chế, méo mó môi trường kinh doanh, thiệt hại cho xã hội.

Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều trong việc đưa ra bình chọn, đề cử các quy định tốt nhất, quy định tồi nhất, song vẫn cần phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, cuộc bình chọn này đã tạo ra những hiệu ứng nhất định, nhận được phần lớn sự đồng tình của dư luận xã hội.

Dù không thực sự đồng tình với việc đưa ra cả đề cử quy định tốt, song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn cho rằng, việc đưa ra đề cử quy định tốt cũng góp phần tạo động lực cho nhà làm chính sách tiếp tục phát huy xây dựng các chính sách tốt, bên cạnh đó nhìn ra được những mặt còn tồn tại để sửa đổi những điều còn bất hợp lý, từ đó tạo sức ép để thay đổi tư duy của nhà quản lý trong xây dựng chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu ứng từ một cuộc bình chọn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO