Hiểu và ứng xử đúng với bệnh ung thư

Trần Ngọc Kha 21/08/2015 09:05

Ung thư đang ngày một gia tăng, đó là một thực trạng đáng lo ngại hiện nay, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do sự ảnh hưởng của môi trường sống. Ngoài ra ung thư còn do các tác nhân hoá học như thuốc lá, chế độ ăn uống, tác động của virus, vi khuẩn...

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Trước tình hình này, việc hiểu và chữa trị đúng về căn bệnh này đang là một vấn đề đặt ra trong xã hội. Bởi hiện đang có nhiều biểu hiện lệch lạc như dùng sừng tê giác như các lời đồn đại. Hay “kinh nghiệm” truyền tay như nếu bị ung thư không được đụng dao kéo mà chỉ dùng các loại thuốc lá cây hoặc hạn chế tiếp xúc với đám ma, không ăn những thực phẩm có tế bào gốc như trứng vịt lộn, hay thực phẩm đột biến gen... Hiện các luồng dư luận này đang tồn tại chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.

“Chúng ta rất đau lòng vì với những thông tin kiểu này, người Việt Nam đang có hiện tượng săn lùng sừng tê giác. Giống như đang gặp nạn giữa biển nếu không cẩn thận chúng ta chỉ tìm gặp bọt biển. Đến khi gặp phao thì đã quá muộn để được cứu sống” - ông Đức ví von. Nhiều bệnh nhân được hỏi cho biết chỉ đến BV K Trung ương sau khi đã đi khắp nơi “vái tứ phương”, để rồi khi đến đây thì đã quá muộn, các bác sĩ buộc phải bó tay.

Ung thư trên thế giới cũng có xu hướng tăng lên và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người. Ung thư phổ biến nhất là ở phổi, tiền liệt tuyến đối với nam, vú, tử cung, dạ dày đối với nữ... Cả hai giới cũng có chung nhiều triệu chứng ung thư. Tất cả có đến hơn 200 bệnh ung thư khác nhau. Đối với một loại bệnh ung thư khác nhau, người bệnh khác nhau đều có những phương cách chữa trị khác nhau. Làm thế nào để chúng ta biết bệnh sớm nhất là điều quan trọng nhất để có thể cứu chữa ung thư đạt hiệu quả cao - đây là điều mà các bác sĩ lưu ý nhất đối với người bệnh.

Để làm được điều này, theo TS.BS Vũ Hồng Thăng - Phó trưởng khoa Nội 4, BV K trung ương, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên đi khám sức khoẻ. Ung thư muộn hay có di căn trong cơ thể. Khi chúng ta ho, vào viện mới được các bác sĩ khám và tìm ra nguồn gốc bệnh. Khi đó nhiều khả năng đó là hậu quả do ung thư di căn đem lại ở vào giai đoạn quá muộn.

Để phòng chống ung thư, cách tốt nhất là hạn chế tối đa tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như thuốc lá. Lời khuyên này của các bác sĩ không phải là mới nhưng không phải là thừa trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, nhất định phải tiến hành khám sàng lọc, nhất là đối với các nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư phổi...

Các cộng đồng dân cư, các cơ quan cần sớm ý thức được việc này để xây dựng thành thói quen thường xuyên. Việc này rất đơn giản và không phải chi phí tốn kém là bao nhưng hiệu quả đem lại là vô cùng lớn.

Trong các phương pháp điều trị ung thư, các bác sĩ nhấn mạnh chúng ta không nên bảo thủ quan niệm “không đụng dao kéo” như nêu ở trên mà cần phải chủ động đến các cơ sở y tế để được phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh bệnh. TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV K trung ương cũng cho hay, không phải cứu ai bị ung thư là coi như được nhận một bản án tử hình.

“Ung thư là sự sinh lên vô độ của một số tế bào trong cơ thể” - TS Linh dẫn ra quan niệm. Do vậy, nếu được phát hiện sớm các triệu chứng này thì tỷ lệ sống sót rất cao, có thể lên đến 90%. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào định kỳ khám sức khoẻ, sàng lọc bệnh tật của chúng ta, TS Linh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu và ứng xử đúng với bệnh ung thư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO