Hình ảnh của cán bộ

Lục Bình 26/12/2016 08:35

Từ 1/1/2017, công chức, viên chức Thủ đô phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu nữ mặc váy phải dài đến gối; không xăm hình, sử dụng mỹ phẩm phải phù hợp… đó là một số quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) Thủ đô sẽ được ban hành để làm đẹp hình ảnh của CBCC trong mắt người dân.

Đồng phục rất đẹp của tiếp viên hàng không.

Thực ra, việc Hà Nội đưa ra quy định về trang phục, văn hóa ứng xử của CBCC không mới. Cách đây không lâu, UBND huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) cũng ra quyết định về đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Trong đó, văn bản quy định cụ thể, rõ ràng và đầy đủ các chi tiết như: CBCC nữ mặc áo, váy phải theo đúng quy chế văn hóa công sở, không được mặc các loại váy liền thân xòe, váy hoa, váy suông, váy ngắn trên đầu gối; không được mặc các loại áo có tay sát nách, quần cộc đến nơi làm việc.)...

Chấn chỉnh, uốn nắn cách ứng xử, ăn mặc của CBCC nơi công sở, đây là việc làm cần thiết, bởi Luật Công chức, viên chức đã quy định các quy tắc ứng xử của CBCC, quy định về trang phục của CBCC. Nhiều cơ quan đã cụ thể hóa thành các Bộ Quy tắc ứng xử của CBCC ngành mình. Các Bộ quy tắc đều nêu rõ: “Về trang phục của CBCC, quy định lễ phục và trang phục ngày thường, yêu cầu gọn gàng, lịch sự như quy định trong một số văn bản về lễ tân nhà nước”. Thế nhưng thực tế thì thực hiện chưa nghiêm, mỗi nơi vẫn một kiểu vì quy định thiếu cụ thể.

Trở lại với Hà Nội, hiện có nhiều ý kiến xung quanh Bộ Quy tắc ứng xử, đặc biệt quy định về cách ăn mặc của CBCC. Có người cho rằng, một số quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử này vi phạm quyền công dân. Trong Luật CBCC, viên chức đã có những quy định khá cụ thể về trang phục, cách ứng xử, thái độ làm việc…. Như vậy, bộ Quy tắc ứng xử động chạm đến quyền tự do cá nhân của công dân.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến lại cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử là cần thiết.

“Nếu là người dân được phục vụ, tôi cũng thích một nhân viên ăn mặc nghiêm túc chứ không phải phấn son, quần áo lòe loẹt. Đồng phục lịch sự là chính xác, ăn mặc đúng mực cũng khiến người đối diện cảm thấy được tôn trọng. Việc ăn mặc khêu gợi, xăm trổ đầy người, đánh móng tay chân đủ màu, nước hoa thơm lừng... thì hãy dành cho những buổi đi chơi hoặc làm công việc nghệ thuật. Làm công chức nhà nước là thường xuyên tiếp xúc với ông già bà cả, trẻ em, có cả người nghèo... nên tạo hình ảnh để không quá khác biệt”- PGS.TS Lê Quý Đức- nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển nói. “Nếu muốn tự do ăn mặc kiểu gì cũng được thì có thể tìm môi trường làm việc khác. Cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu CBCC của mình chấp nhận điều kiện đó thì vào làm”.

Cũng cần nói thêm rằng, quy định nghiêm về chuyện ăn mặc nơi công sở được các nước khác thực hiện rất nghiêm túc. Đừng tưởng những nước tự do cao, CBCC của họ có quyền mặc tùy thích. Ngay như ở Hàn Quốc quy định rất rõ công chức phải mặc lịch sự, trang nhã, dùng mỹ phẩm rất hạn chế.

Không chỉ ở nước ngoài, ngay đến môi trường các công ty tư nhân cũng có những quy định riêng mà nhân viên phải theo nếu muốn được tuyển dụng vào làm việc. Nhiều cơ quan họ còn sản xuất đồng phục riêng biệt cho từng bộ phận nhân viên. Đồng phục lịch sự của các nhân viên ngân hàng, của công ty kinh doanh vàng bạc, đồng phục rất đẹp của tiếp viên hàng không là ví dụ. Khối tư nhân họ có quy định mặc trang phục rất nền nã tại sao công chức của ta lại ăn mặc “trăm hoa đua nở” gây mất thiện cảm đến vậy?

Mặc đẹp là tôn trọng mình, tôn trọng người xung quanh ít nhất lấy được sự thiện cảm, tin tưởng của người mình giao tiếp… qua đó hiệu quả công việc do đó sẽ tốt hơn. Ngược lại ăn mặc trễ nải, phản cảm nó nói là hình ảnh biết nói chứng tỏ CBCC này không tôn trọng bản thân, nội quy cơ quan, không tôn trọng mọi người. Tất nhiên, chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc mới là vấn đề cốt lõi. Những yếu tố còn lại chỉ để làm tăng thêm hình ảnh đẹp của CBCC trong con mắt người dân. Nhưng tạo được hình ảnh đẹp trong mắt quần chúng chắc chắn sẽ làm tăng thêm hiệu quả cho công việc.

Tất nhiên trang phục không thể “làm ra” phẩm chất đạo đức cho CBCC. Nhưng đó chính là hỉnh ảnh của người thực thi công vụ. Các cụ dạy, “y phục xứng kỳ đức”, điều đó có nghĩa trang phục là vấn đề rất quan trọng.

Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, là tấm gương mẫu mực để dân noi theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy như vậy. Muốn cán bộ đẹp lên trong mắt dân CBCC phải thực hiện rất nhiều điều. Nhưng trước tiên CBCC cần làm là hãy bắt đầu từ cách ăn mặc có văn hóa.

Còn thì, với ai đó trang phục tươm tất, ra người lịch lãm nhưng lại có lối sống tệ hại, ẩn mình trong trang phục đẹp để che đậy cái xấu thì không bàn!

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, “nếu là người dân được phục vụ, tôi cũng thích một nhân viên ăn mặc nghiêm túc chứ không phải phấn son, quần áo lòe loẹt. Đồng phục lịch sự, ăn mặc đúng mực cũng khiến người đối diện cảm thấy được tôn trọng. Nếu muốn tự do ăn mặc kiểu gì cũng được thì có thể tìm môi trường làm việc khác. Cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu CBCC của mình chấp nhận điều kiện đó thì vào làm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình ảnh của cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO