'Hô biến' nông trại bò sữa thành khu sinh thái

Đức Sơn 01/08/2019 07:41

Chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép cho phép chuyển đổi, nhưng Công ty TNHH Thái Việt (Công ty Thái Việt) đã tự ý xây dựng hàng loạt hạng mục, công trình không phép “ hô biến” dự án nông trại chăn nuôi bò sữa thành khu sinh thái.

'Hô biến' nông trại bò sữa thành khu sinh thái

Công ty Thái Việt xây dựng hàng loạt công trình không phép trong Dự án Nông trại chăn nuôi bò sữa.

Xây dựng hàng loạt công trình không phép

Năm 2003, Công ty Thái Việt (do ông Hứa Xuân Bách làm giám đốc) lập dự án đầu tư xây dựng nông trại chăn nuôi bò sữa được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng. Đến ngày 21/11/2003, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 3082/QĐ-UB về việc thu hồi đất, giao đất cho Công ty Thái Việt thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng nông trại chăn nuôi bò sữa, tại xóm Hội Hiểu, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên, với diện tích 133.265m2. Sau đó, Công ty Thái Việt đã động thổ khởi công xây dựng dự án và hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2005.

Đến năm 2018, vì nuôi bò sữa không hiệu quả, Công ty Thái Việt đã trình hồ sơ, báo cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thái Nguyên xem xét cho chuyển Dự án đầu tư nông trại chăn nuôi bò sữa sang Dự án xây dựng Khu chăn nuôi, trồng trọt kết hợp trải nghiệm. Trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đang xem xét, nghiên cứu việc chuyển đổi dự án nêu trên thì năm 2018, Công ty Thái Việt đã tự ý chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trên thành khu dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, bể bơi, khu sinh thái trải nghiệm, khu hát karaoke và xây dựng hàng loạt nhà cửa không phép.

Đáng chú ý, trong hành lang thoát lũ phía giáp bờ tả sông Cầu, năm 2019 Công ty Thái Việt xây dựng 4 căn nhà cấp 4 vi phạm Luật Đê điều, sau đó công ty này chỉ tiến hành tháo dỡ khi ngành chức năng lập biên bản, yêu cầu phá dỡ.

Mới đây, ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tại dự án nông trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Thái Việt có tổng số 32 công trình nhà, 2 công trình hạ tầng và công trình phục vụ với tổng diện tích xây dựng là 15.187,85m2. Trong đó, các công trình được xây dựng từ trước năm 2018 (thuộc dự án chăn nuôi bò sữa) có 14 công trình với tổng diện tích xây dựng là 6.667,32m2, các công trình được xây dựng với kết cấu cột bê tông kết hợp với tường chịu lực, vì kèo thép, xà gồ gỗ, mái lợp tôn.

Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên xác nhận, trong thời gian Công ty Thái Việt xin điều chỉnh dự án khu chăn nuôi bò sữa thành dự án khu chăn nuôi, trồng trọt kết hợp trải nghiệm, Công ty Thái Việt đã xây dựng 19 công trình với tổng diện tích xây dựng là 8.520,56m2, bao gồm: 10 công trình nhà sàn kết cấu gỗ, mái ngói, 6 nhà lưu trú tường xây gạch,, nhà hội trường lễ tân, tiếp đón, bể bơi và hệ thống đường giao thông nội bộ kết cấu bê tông xi măng…

Tại thời điểm Sở Xây dựng kiểm tra gần đây, trong tổng số 17 công trình nhà được xây dựng, có 6 công trình đang được xây dựng dở dang chưa hoàn thiện, số công trình còn lại đã được xây dựng hoàn thiện. Tất cả các công trình trên, Công ty Thái Việt xây dựng theo mặt bằng định vị công trình và hồ sơ thiết kế do Công ty CP Kiến trúc - Nội thất và Đầu tư xây dựng Nam Việt lập. Các công trình trên không có giấy phép xây dựng, không có hồ sơ hoàn công, hồ sơ nghiệm thu thanh, quyết toán, không có thông báo ngày khởi công xây dựng theo quy định cho UBND xã Cao Ngạn. Dự án khu chăn nuôi, trồng trọt kết hợp trải nghiệm, Công ty Thái Việt chưa trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án.

Mặt khác, theo đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt, yêu cầu Công ty Thái Việt phải có 3 ao chứa nước thải dung tích 7.800m3 nhưng hiện nay công ty này chỉ có 1 ao chứa nước thải với dung tích 1.500 m3. Đề án cũng yêu cầu có 3 bãi lọc trồng cây với diện tích 1.500 m2 nhưng hiện nay không có. Công ty Thái Việt cũng không báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên về tiến độ thực hiện đề án bảo vệ môi trường về việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Công ty chưa báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định.

Trách nhiệm của chính quyền đến đâu?

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Việt Dũng- Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn thừa nhận Công ty Thái Việt có những sai phạm nêu trên.

Theo thông tin ông Dũng cho biết, cuối năm 2018, sau khi phát hiện Công ty Thái Việt xây dựng không phép, chính quyền xã đã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu Công ty Thái Việt dừng ngay mọi hoạt động xây dựng. Sau đó công ty đã tháo dỡ 10 ngôi nhà trên phạm vi hành lang thoát lũ của sông Cầu. Ông Dũng khẳng định, đến nay, xã chưa hề nhận được văn bản nào của cấp có thẩm quyền cho phép công ty Thái Việt chuyển đổi dự án nông trại chăn nuôi bò sữa thành dự án xây dựng Khu chăn nuôi, trồng trọt kết hợp trải nghiệm. Về nguyên nhân sai phạm của Công ty Thái Việt, vị chủ tịch UBND xã Cao Ngạn đưa ra lý do, do trên địa bàn xã nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động nên không thể kiểm tra hết được. Mặt khác, vị trí dự án nông trại của Công ty Thái Việt nằm nơi hẻo lánh, xa xôi và công ty này lén lút xây dựng nên không phát hiện kịp thời. Nói về trách nhiệm, ông Dũng thừa nhận chính quyền xã có trách nhiệm về sự việc trên vì không phát hiện, xử lý kịp thời, sau khi phát hiện thì đã vượt thẩm quyền. Chính quyền xã đã họp kiểm điểm của các cá nhân liên quan.

Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các biên bản, giấy tờ liên quan đến việc chính quyền xã đã vào cuộc xử lý sai phạm của Công ty Thái Việt cũng như các biên bản cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của xã thì ông Đoàn Việt Dũng - Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn đã thẳng thừng từ chối với lý do bất hợp lý: “Chỉ cung cấp văn bản cho cơ quan chức năng, chứ không cung cấp cho cơ quan báo chí…”.

Theo quy định của pháp luật, đối với các công trình xây dựng không phép phải phá bỏ trả lại hiện trang ban đầu, tuy nhiên không hiểu lý do gì Sở Xây dựng Thái Nguyên lại “ưu ái” cho Công ty Thái Việt khi chỉ yêu cầu công ty này hoàn tất các thủ tục theo quy định đầu tư xây dựng đối với các công trình đã xây dựng từ năm 2018. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, chấp thuận chủ trương cho Công ty Thái Việt điều chỉnh dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Hô biến' nông trại bò sữa thành khu sinh thái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO