Hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19: Khoảng cách giữa chính sách và thực tế

Nguyễn Hằng 09/12/2020 08:37

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã tổ chức diễn đàn “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ.

Phát biểu tại đây, nhiều doanh nghiêp (DN) cho rằng vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương đang là rào cản đối với DN nhỏ và vừa. Nguyên nhân được cho là do việc thiết kế các chính sách hỗ trợ đang có khoảng cách quá lớn với thực tiễn cuộc sống.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động.

Cụ thể như gói cơ bản: Gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội, 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Tuy nhiên, các bộ, ngành thiết kế các chính sách chưa bám sát thực tiễn của cuộc sống.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, qua tiến hành điều tra cho thấy các DN khó tiếp cận nguồn vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả tiền lương cho lao động. Các thủ tục hành chính còn phiền hà chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN.

Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, ở Hà Đông, cho biết vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn và các gói hỗ trợ này. “Tôi cho rằng là các vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn để cho các DN siêu nhỏ như chúng tôi tiếp cận. Việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi DN đóng cũng là một rào cản. Ở Việt Nam, nhiều DN đăng ký kinh doanh ở đây, nhưng người ta sản xuất nơi khác, nên địa phương sẽ không bao giờ xác nhận vì sợ trách nhiệm, dẫn đến chúng tôi không thể đầy đủ điều kiện xác nhận để nhận được những gói hỗ trợ như vậy” - ông Cường nói.

Sau đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát, cộng đồng DN đã khó thì nay càng gặp khó khăn hơn. Đến tháng 11 vừa qua, nước ta có trên 15.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, 44.000 DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường, tăng đến 60% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng, có trên 5.000 DN phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.

Trả lời kiến nghị của DN về các thủ tục tiếp cận vay vốn từ gói hỗ trợ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh việc cần rút kinh nghiệm trong thiết kế chính sách thì phải rà soát, đánh giá lại một cách độc lập về hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ. Đồng thời lắng nghe tham vấn ý kiến của đối tượng bị tác động để đảm bảo tính khả thi của chính sách được đi vào cuộc sống nhanh hơn.

“Cần phải tăng cường nỗ lực hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN trong cả việc định hình các chính sách và tổ chức thực thi chính sách. Do vậy, động thái chính sách, tổ chức thực thi chính sách, các thủ tục để đảm bảo thực hiện chính sách cũng phải khác đi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, từ đó tạo nên áp lực, cơ hội cải cách các thủ tục hành chính, theo hướng tích cực, đơn giản hóa để chúng ta có thể giải quyết rất nhiều vấn đề thúc đẩy nhanh các dự án sản xuất kinh doanh hoạt động” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Mức hỗ trợ DN nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn như quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP còn thấp, chưa đủ hấp dẫn DN, chưa tiệm cận được với mức giá tư vấn trên thị trường. Theo phản ánh của cộng đồng DN, việc Nhà nước chỉ đưa ra mức hỗ trợ từ 3, 5 và 10 triệu đồng tương ứng với quy mô DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Đồng thời, DN nhỏ và vừa e ngại việc phải tiến hành nhiều quy trình, thủ tục, trong khi mức hỗ trợ không đủ để khuyến khích DN tiếp cận các hỗ trợ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19: Khoảng cách giữa chính sách và thực tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO