Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, vượt khó

H.Vũ (thực hiện) 26/07/2021 06:35

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tạo áp lực lớn trong phát triển kinh tế. Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cần các gói hỗ trợ lớn để tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, tạo ra bứt phá.

Ông Hoàng Văn Cường.

PV:Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần kịch bản nào cho phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2021?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Từ đầu năm đến nay có hai làn sóng dịch tác động đến nước ta. Làn sóng dịch thứ nhất bắt đầu từ cận Tết là đợt cao điểm của tiêu dùng, du lịch, tạo nên ảnh hưởng rất lớn. Làn sóng dịch thứ hai bắt đầu vào tháng 4 “đánh” đúng các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, các thành phố lớn của đất nước nên ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế. Tuy vậy xu thế tăng trưởng kinh tế vẫn khả quan, dù tăng trưởng chỉ đạt 5,64% (không đạt mục tiêu trên 6%) nhưng đây cũng là mức khá và đều.

Giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế có lẽ trọng tâm vẫn là công tác phòng, chống dịch. Khống chế dịch không tạo ra bùng phát, đột biến, tác động quá bất thường thì chúng ta vẫn có thể duy trì được tăng trưởng kinh tế. Ví như đầu năm có dịch nhưng dịch không quá trầm trọng nên tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được ở mức 5,64% là như vậy.

Do đó ưu tiên trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là làm thế nào để kiểm soát, không để bùng phát dịch, lúc đó nền kinh tế sẽ hồi phục trở lại. Và kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối cùng vẫn phụ thuộc vào kịch bản của diễn biến dịch. Nếu từ nay đến cuối năm không kiểm soát được, để xảy ra tràn lan thì không thể nói sẽ phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó cần giải pháp gì để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thưa ông?

-Bên cạnh việc tập trung chống dịch cũng thấy rằng hiện cầu của nền kinh tế đang bị suy yếu. Biểu hiện rõ nhất là CPI rất thấp, chỉ tăng 1,47% trong bối cảnh giá dầu, giá xăng tăng. Giá dầu và xăng là nhân tố làm cho giá hàng hóa tăng nhưng CPI lại thấp. Hay nguyên liệu đầu vào là sắt thép tăng cũng làm giá hàng hóa tăng, song CPI lại ở mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Để thúc đẩy phát triển kinh tế chúng ta phải tìm biện pháp tăng cầu theo 2 hướng.

Thứ nhất là dân cư. Chính các chính sách gói cứu trợ của Chính phủ cho người dân người lao động không đơn thuần giải quyết những khó khăn cho người dân trong lúc dịch mà nó cũng tác động đến chuyện tăng cầu của người dân. Phải gắn liền, đưa gói cứu trợ vào sản xuất, chứ không phải tiền vào khu vực phi sản xuất.

Đặc biệt gói cứu trợ cần hướng đến giải quyết những vấn đề về hàng hóa, sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nông sản. Cho nên cần tăng cường việc tạo ra nguồn cung, lưu chuyển hàng hóa từ vùng sản xuất về khu vực cần cứu trợ, thậm chí chuyển trợ cấp cứu trợ bằng tiền sang hiện vật, nhất là đối với vùng dịch phong tỏa, nằm trong diện cách ly cần chuyển từ hỗ trợ bằng tiền sang hỗ trợ hiện vật. Như thế mới kích thích được người sản xuất trong nước cũng như đảm bảo tiêu dùng của người dân.

Thứ hai, kích cầu thông qua đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Điều đó sẽ tạo ra cầu về việc làm, lan tỏa tới các lĩnh vực, tạo ra tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên phải đẩy mạnh đầu tư công. Nó cũng tạo ra tiền đề để có bước phát triển bứt phá.

Bởi lẽ nền kinh tế thế giới hiện đang có dấu hiệu phục hồi khá rõ, hiện nhiều khu vực và nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng. Vì thế tôi cho rằng đi kèm với tăng cường phòng, chống dịch cần đẩy mạnh tiêm vaccine. Qua đó nhanh sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng để mở cửa nền kinh tế.

Hiện đã có một số doanh nghiệp lớn rút khỏi thị trường. Điều đó có đáng lo ngại?

-Doanh nghiệp (DN) lớn rút khỏi thị trường là điều đáng lo ngại. Cho nên Chính phủ cần có gói hỗ trợ lớn, đủ sức cho các DN có thể sẵn sàng từ bỏ phương án làm ăn cũ, quy trình cũ, từ bỏ công nghệ cũ, cơ sở cũ để đầu tư cơ sở mới.

Đầu tư mới không phải là đi từ đầu mà có thể mua lại quy trình, công nghệ, dây chuyền của nước ngoài để kinh doanh. Lúc đó DN có thể tự mình đứng vào trong chuỗi cung ứng mới để tạo ra chuỗi liên kết quốc tế, thậm chí tạo ra được những sản phẩm mới.

Khi mở cửa nền kinh tế, tức là hậu Covid-19 các DN phải đủ mạnh, đủ sức. Các gói cứu trợ cho DN hiện nay như hoãn giãn thuế, hoãn giãn các khoản nợ, hạ lãi suất. Đây cũng chỉ là giải pháp giúp DN đỡ khó khăn, chứ chưa tạo ra tiềm lực cho DN phát triển mới.

Cho nên cần có gói hỗ trợ hỗ trợ đủ lớn, như tôi đã nói là đủ mạnh để DN có nguồn lực đầu tư các công nghệ mới, thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất, đón đầu thị trường thế giới khi mở cửa. Lúc đó nó sẽ tạo ra bứt phá cho nền kinh tế.

Trong đại dịch, kinh tế số và thương mại điện tử tăng trưởng. Có thể làm gì để tăng cường hơn ở lĩnh vực này, thưa ông?

-Ứng dụng công nghệ 4.0 là thành công lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, qua đó sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển, tiết kiệm được nhiều khoản về chi phí, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tạo ra khả năng kết nối tốt cho DN. Nên cần có chiến lược, đi kèm theo nó là hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số.

Nhưng muốn thúc đẩy DN, người dân chuyển đổi số thì đi đầu phải là cơ quan quản lý. Cho nên Chính phủ phải đẩy mạnh chuyển đổi số để tất cả mọi thứ thực hiện trên nền tảng số chứ không phải kiểu truyền thống. Lúc đó buộc các DN cũng phải chuyển đổi theo.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO